Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39 về hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán.
Dự thảo này có một số nội dung chính về ví điện tử (VĐT) như: khống chế tổng hạn mức giao dịch (20 triệu đồng/ngày, 100 triệu đồng/tháng với ví cá nhân); nạp tiền vào VĐT phải thông qua thẻ ngân hàng, tài khoản thanh toán hay nhận tiền từ VĐT khác; tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT phải áp dụng các biện pháp phù hợp để xác thực các giao dịch; phải hoàn thành liên kết VĐT với tài khoản ngân hàng mới được kích hoạt sử dụng; đơn vị cung ứng dịch vụ không được cấp tín dụng hay trả lãi trên số dư VĐT; và các tổ chức cung ứng dịch vụ phải có công cụ để NHNN giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ...
Trong bối cảnh các loại VĐT đua nhau nở rộ và/hoặc đổ bộ vào Việt Nam nhưng khuôn khổ pháp luật quản lý hoạt động của VĐT vẫn còn rất thiếu, yếu và không theo kịp trào lưu phổ biến VĐT thì việc xây dựng một văn bản pháp luật như dự thảo thông tư nói trên của NHNN là cần thiết. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận như trong dự thảo có một số điều nên xem xét lại nếu đặt trong bối cảnh của thanh toán điện tử nói chung, đặc biệt khi tham khảo kinh nghiệm một số nước.
Xây dựng hệ sinh thái thanh toán điện tử ở Singapore
Nhiều nước trên thế giới, gồm cả những nước có sự phổ cập rộng rãi thanh toán điện tử như Trung Quốc và Ấn Độ, thường để cho hệ sinh thái thanh toán điện tử tự hình thành, phát triển nhanh chóng và hoàn toàn được dẫn dắt bởi các chủ thể thương mại, chứ không phải dưới sự “đạo diễn” của nhà nước.
Ngược lại, một số ít nước khác, như Singapore, đã khôn khéo áp dụng một phương thức tiếp cận chắc chắn và chủ động hơn. Theo đó, chính phủ nước này thiết kế một hệ sinh thái bao quanh hệ thống tài chính hiện hữu. Hệ sinh thái này có đầy đủ cơ sở hạ tầng và đặc tính cho phép các chủ thể, các dịch vụ trong đó vừa cạnh tranh vừa bổ sung cho nhau.
Hệ sinh thái nói trên ở Singapore bắt đầu hình thành với việc ngành ngân hàng nước này từ năm 2014 đưa vào áp dụng FAST, một hệ thống thanh toán tức thời 24x7. Đây có thể coi là xương sống của hệ thống thanh toán, cho phép thực hiện thanh toán không chỉ giữa các tài khoản ngân hàng với nhau mà còn giữa người tiêu dùng và các doanh nghiệp.
Từ chiếc xương sống này, Singapore xây dựng các nhánh thanh toán tận dụng thế mạnh của điện thoại di động mà hầu như người Singapore nào cũng có. Tuy nhiên, việc xây dựng cũng theo từng bước, đầu tiên là cho phép thanh toán giữa người sử dụng với người sử dụng (C2C), tiếp đó là doanh nghiệp với người sử dụng (B2C), rồi doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và cuối cùng là người sử dụng với doanh nghiệp (C2B).
Với hình thức C2C thông qua công cụ gọi là PayNow, Singapore cho phép người sử dụng có thể kết nối tài khoản ngân hàng của họ với một số định danh cá nhân (ID) hay số điện thoại di động, qua đó có thể gửi tiền cho người khác.
Ở giai đoạn phát triển tiếp theo là B2C, Singapore cho phép doanh nghiệp tiếp cận PayNow để chi trả cho cá nhân, như trả lương, thưởng, bảo hiểm...
Tiếp đó, doanh nghiệp được phép chi trả cho nhau (B2B) thông qua PayNow phiên bản doanh nghiệp (PayNow Corporate) sử dụng định danh bằng mã số doanh nghiệp riêng có (UEN) và các hậu tố của mã số doanh nghiệp này nếu muốn chi trả cho hàng loạt đối tượng thụ hưởng trong doanh nghiệp này.
Và cuối cùng là việc cho phép thực hiện C2B, là phần khó nhất, bởi người sử dụng khó mà trả tiền cho một cửa hàng nào đó bằng cách tìm và nhập mã UEN của nó. Thay vào đó, mã định danh này của cửa hàng và chi tiết thanh toán sẽ được hiển thị dưới dạng mã vạch QR code để người tiêu dùng quét bằng điện thoại di động và thực hiện thanh toán. Tuy nhiên, có một vấn đề nảy sinh là như vậy sẽ có quá nhiều QR code mà người tiêu dùng không biết là nên quét cái nào (mỗi phương thức thanh toán như VĐT và PayNow lại đưa ra một QR code riêng).
Đó là lý do vì sao hồi tháng 9-2018, Singapore xây dựng và tung ra một QR code tiêu chuẩn và duy nhất dùng cho thanh toán điện tử, gọi là SGQR. Mã duy nhất này cho phép các cửa hàng hiển thị các phương thức thanh toán khác nhau dưới một QR code duy nhất. Đây là một giải pháp đầu tiên trên thế giới.
Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng cho thanh toán điện tử, Singapore còn thực hiện thành công một nhiệm vụ quan trọng nữa là cho phép các tổ chức phi ngân hàng, ví dụ như FinTech (công ty công nghệ tài chính), tham gia vào hệ thống này. Một điểm yếu của VĐT là không phải ngân hàng nào cũng cho phép nạp tiền vào bất cứ loại VĐT nào từ tài khoản ngân hàng. Hơn nữa, trước đây, hai người tiêu dùng phải sử dụng cùng một VĐT thì mới chuyển tiền cho người kia được.
Mọi việc sẽ khác khi các tổ chức cung ứng dịch vụ VĐT tiếp cận được với FAST. Khi đó, người tiêu dùng có thể nạp tiền từ bất cứ tài khoản ngân hàng nào thông qua việc chuyển tiền trên hệ thống FAST, và ngược lại, chuyển tiền từ VĐT trở lại tài khoản ngân hàng. Đồng thời, họ cũng có thể chuyển tiền cho người khác từ bất cứ một VĐT nào miễn là có kết nối với FAST. Lưu ý rằng sự tiếp cận tương tự như thế này của các tổ chức phi ngân hàng vào hệ thống thanh toán tức thời cũng đã được thực hiện ở Ấn Độ, Anh, Hồng Kông và Malaysia.
Quy chế riêng về VĐT
Singapore quản VĐT trong một khuôn khổ pháp luật đơn giản hơn nhiều so với các ngân hàng vì VĐT chỉ được dùng cho thanh toán, và do đó chỉ phải đối mặt với các rủi ro phát sinh từ đó. Cũng bởi vậy, Singapore cấm các nhà cung cấp dịch vụ VĐT được huy động tiền gửi và cho vay. Tuy nhiên, tương lai thanh toán điện tử sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với nhiều phương thức mới sẽ ra đời và phổ biến, nên các chủ thể tham gia cần được quản chặt chẽ. Dự luật Dịch vụ thanh toán sắp ra đời của Singapore đề ra các tiêu chuẩn tối thiểu như phải cho người sử dụng được chuyển tiền hai chiều giữa VĐT và tài khoản ngân hàng, cũng như có chất lượng dịch vụ khách hàng tốt. Cho phép tổ chức phi ngân hàng tiếp cận FAST cũng có nghĩa là cả ngân hàng và tổ chức phi ngân hàng phải cạnh tranh lẫn nhau hơn nữa, nên phải đổi mới và tung ra các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng để vươn lên trước đối thủ.
Nhưng tất cả những nỗ lực trên sẽ vô ích nếu khách hàng cảm thấy thanh toán điện tử không an toàn. Nên miếng ghép cuối cùng cần thiết trong bức tranh thanh toán điện tử là quy chế minh bạch, dễ hiểu và làm an tâm tất cả các bên. Sự an toàn của thanh toán điện tử được thể hiện trên ba khía cạnh: (i) an ninh mạng - nhà cung cấp dịch vụ phải có các biện pháp an ninh mạng để người dùng yên tâm sử dụng; (ii) bảo vệ người tiêu dùng - Singapore đưa ra hướng dẫn về xử lý trách nhiệm của các bên khi xảy ra sự cố; và (iii) phải sử dụng thêm mã xác thực đối với các giao dịch lớn.
Việt Nam cần chủ động hơn
Trong tương lai gần, Việt Nam cần phát triển hệ sinh thái thanh toán điện tử ít nhiều tương đồng như của Singapore, trong đó VĐT ở giai đoạn đơn giản như hiện tại chỉ là một mảnh ghép. Bởi vậy, thay vì quản lý theo tình huống, có tính thụ động, chạy theo thị trường như dự thảo thông tư nói trên (theo kiểu thị trường phát triển đến đâu thì ban hành quy chế đến đó để lấp các lỗ hổng pháp lý mới tạo ra), NHNN cần xây dựng những quy chế có tính bao quát, dài hơi hơn, tạo khuôn khổ pháp lý để sẵn sàng nghênh đón các phương thức thanh toán điện tử mới phát triển xung quanh nền tảng thanh toán của hệ thống ngân hàng, gồm VĐT với các giai đoạn phát triển như của Singapore, và thậm chí là cả phương thức thanh toán qua tài khoản viễn thông mà thực chất nên/phải được coi là một hình thức của VĐT được cung cấp bởi các tổ chức phi ngân hàng - các công ty viễn thông.
Một điều cũng quan trọng, là quy chế về VĐT hay thanh toán qua tài khoản viễn thông hay những phương thức thanh toán điện tử mới sau này tuy không nên quá ràng buộc, phức tạp như với các tổ chức tín dụng, nhưng tối thiểu cần bao gồm những quy định về kết nối với hệ thống thanh toán hiện hữu (và sẽ có) của các ngân hàng, kết nối và chuyển tiền đa chiều giữa các chủ thể (doanh nghiệp, cá nhân, ngân hàng, tổ chức phi ngân hàng), và trách nhiệm từng bên (trong bảo đảm an toàn, an ninh mạng, phòng ngừa và xử lý rủi ro, bảo vệ người tiêu dùng, bồi thường thiệt hại...).
Cuối cùng, không chỉ là xây dựng quy chế đón đầu, NHNN còn cần phối hợp với một số cơ quan chức năng khác để nhanh chóng lập ra lộ trình chấp nhận và phổ biến các giai đoạn và phương thức thanh toán điện tử nói chung và VĐT nói riêng, chứ không thụ động ngồi đợi cho đến lúc tự các tổ chức cung ứng dịch vụ tung ra các dịch vụ của mình, như kinh nghiệm của Singapore cho thấy.