Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống và làm việc của hầu như mọi tổ chức và cá nhân trên thế giới. Điều này đã buộc những ngành nghề cũ phải đổi thay và những ngành nghề mới ra đời. Những cách thức sống và làm việc mới đang trỗi dậy khi nỗi sợ hãi dần tan. Dưới đây là một số xu hướng sẽ định hình và định nghĩa lại đời sống, tổ chức và xã hội của tất cả chúng ta.
Tăng tốc chuyển
đổi số
Đại dịch đã cho
thấy không có gì là bền vững, bất biến, và chỉ có ai năng động, có tính thích
nghi cao thì mới tồn tại và phát triển được. Nó càng buộc các công ty phải có
những bước đi mạnh mẽ hơn nữa để áp dụng công nghệ tiên tiến và hiện đại hóa cấu
trúc tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, hệ thống đo lường và kiến trúc hoạt động.
Cho dù công ty hiện đang đi trước đối thủ, họ cũng phải tiếp tục sẵn sàng để
thay đổi, đối mặt với rủi ro lường trước và sẵn sàng để thất bại chóng vánh, nếu
không thì khả năng cao là việc kinh doanh của họ sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, tăng
tốc trên con đường chuyển đổi số sẽ là ưu tiên hàng đầu cho nhiều công ty muốn
đảm bảo sự kinh doanh thông suốt, cải thiện năng suất và tung ra những mô hình
kinh doanh mới để duy trì tính cạnh tranh.
Địa phương hóa
Toàn cầu hóa là
xu hướng chiến lược phổ biến trong mấy thập kỷ qua. Nhưng biến đổi khí hậu và
sau đó là Covid-19 vốn gây ra sự gián đoạn hơn nữa chuỗi cung ứng đã làm tăng vọt
nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm địa phương cũng như làm suy yếu tổng
cầu. Sản phẩm và dịch vụ cùng với chuỗi cung ứng địa phương đã trở nên quan trọng
hơn với không chỉ người tiêu dùng mà còn cả với các công ty muốn tăng sức đề
kháng cho các cuộc khủng hoảng trong tương lai. Điều này có ảnh hưởng đến và là
hàm ý cho các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng cũng như kỳ vọng khách hàng
và việc đáp ứng kỳ vọng đó. Thế giới sẽ ngày càng cá nhân hóa. Khách hàng sẽ
ngày càng đòi hỏi hơn, muốn sự đa dạng hóa sản phẩm và nhiều kênh phân phối hơn
để lựa chọn, thời gian giao hàng nhanh hơn và minh bạch hơn.
Phân mảnh chuỗi
cung ứng
Các chuỗi cung ứng
sẽ phân mảnh hơn nữa với các nền tảng công nghệ nối kết các bộ phận của chuỗi
cung ứng với nhau, được tiếp sức bởi việc ứng dụng và ngày càng phổ biến của
internet 5G. Chuỗi cung ứng nhiều tầng này sẽ mở ra nhiều cơ hội tiếp xúc với
khách hàng, quản lý tồn kho, tối ưu hóa sản xuất và phân phối, quản lý hậu cần
và quản lý dòng tiền/vốn.
Cuộc sống không
cần sự hiện diện vật lý
Đại dịch dẫn đến
các đợt phong tỏa và buộc nhiều người phải ở nhà. Mọi người dần trở nên thích
nghi và làm quen tốt với xu hướng dùng sự hiện diện điện tử thay thế cho hiện
diện vật lý ở trong nhiều lĩnh vực như làm việc, giáo dục và giải trí. Xu hướng
không yêu cầu phải hiện diện vật lý sẽ tác động đến hành vi người tiêu dùng và
kỳ vọng khách hàng đối với nhà cung cấp sản phẩm và dịch vụ. Xu hướng này sẽ
ngày càng trở nên rõ nét hơn trong tương lai, cùng với những lựa chọn làm việc
từ xa, nó sẽ thay đổi vĩnh viễn và mạnh mẽ cung cách và thói quen hiện nay và tạo
ra những lĩnh vực kinh tế mới. Một trong những ví dụ điển hình là ngành khám chữa
bệnh từ xa, vốn trước đại dịch chỉ là một mảng nhỏ trong ngành chăm sóc sức khỏe.
Đại dịch đã làm cho nhiều người tiêu dùng quan tâm hơn đến và bệnh nhân bị hấp
dẫn hơn bởi dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa, tạo điều kiện để các trung
tâm y tế thiết lập và phát triển dịch vụ này trong tương lai. Tương tự là các
ngành, lĩnh vực mới dựa vào trải nghiệm số hóa như triển lãm, hòa nhạc hay thậm
chí nếm rượu vang online.
Định vị lại phân
khúc khách hàng
Thông thường nhiều
công ty định vị phân khúc khách hàng dựa vào các tiêu chí nhân khẩu học như độ
tuổi, thành phố, và thu nhập. Nhưng điều nhiều khi có tính chi phối lại là trạng
thái tâm lý của người tiêu dùng. Đại dịch làm cho nhiều người giảm thu nhập nên
những người này hoặc cắt giảm tối đa chi tiêu, hoặc chỉ (muốn) mua những thứ gì
“ngon, bổ, rẻ”. Việc giảm giá khuyến mại và/hoặc tăng cảm giác “đáng đồng tiền
bát gạo” hướng vào đối tượng này sẽ giúp công ty duy trì, thậm chí tăng doanh
thu, lợi nhuận. Ngược lại, đại dịch còn làm lợi cho không ít người nên họ sẵn
sàng chi tiêu hơn nữa mà không bận tâm nhiều về giá. Do đó, chiến lược bán hàng
thiết kế riêng cho hai phân khúc khách hàng khác nhau này sẽ giúp duy trì, thậm
chí làm tăng sức mạnh làm giá của công ty. Ngoài ra, đại dịch làm thay đổi hành
vi và thuộc tính người tiêu dùng còn tạo ra những phân khúc khách hàng mới sẵn
sàng chi tiền cho một (số) sản phẩm hoặc dịch vụ nào đó nên chiến lược bán hàng
cũng cần nắm bắt kịp thời những xu hướng này.
Tăng cường thương
mại điện tử
Không mấy ai phản
đối rằng đại dịch là một cú hích quyết định cho thương mại điện tử. Trước xu hướng
ngày càng có nhiều người tiêu dùng chuyển sang hoặc tăng cường mua sắm online,
các doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đầu tư năng lực thương mại điện tử để
không tụt hậu với đối thủ. Đồng thời, sẽ ngày càng nhiều người lựa chọn đặt
hàng online và đi nhận hàng tại điểm chạm (touchpoint) vì đối tượng khách hàng
này muốn có sự kết hợp giữa nhu cầu có hàng sớm nhưng chỉ cần nỗ lực cá nhân tối
thiểu trong nhận hàng, thường là những người không muốn mất thời gian đợi hàng
được giao tại nhà nhưng cũng không muốn trải nghiệm bất tiện đi mua hàng tại quầy.
Thương mại điện tử
còn được trợ giúp bởi nhu cầu bùng nổ các dịch vụ stream trong đại dịch như xem
video trên nền tảng của Netflix. Nhiều doanh nghiệp đã nắm bắt xu hướng này, sử
dụng công nghệ có sẵn để số hóa tương tác của họ với khách hàng gồm giới thiệu
sản phẩm và hỏi đáp trên các phương tiện truyền thông, với chi phí tối thiểu so
với các kênh tương tác truyền thống.
Những doanh nghiệp
không có kênh bán hàng online nào sẽ là doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhất hiện tại
và trong tương lai. Ngược lại, những doanh nghiệp nào vốn dĩ dựa vào bán hàng
offline thì càng có thêm động cơ để đẩy mạnh số hóa các hoạt động thương mại của
mình.
Thanh toán
không tiếp xúc
Đại dịch đã làm
tăng vọt nhu cầu thanh toán không tiếp xúc, ngay cả với những người bảo thủ, ưa
thích các hình thức thanh toán truyền thống trước yêu cầu đảm bảo vệ sinh an
toàn trong phòng chống dịch. Thực tế này dẫn đến khả năng lớn là sẽ ngày càng
có nhiều người chuyển sang và trở nên quen dùng các công cụ thanh toán không tiếp
xúc trong cuộc sống hàng ngày. Các doanh nghiệp cần phải nắm bắt sự thay đổi và
xu hướng này để kịp thời chuẩn bị và thích nghi với nhu cầu này của đại bộ phận
khách hàng.
Tăng nhu cầu
tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng lao động
Đại dịch đã làm
gián đoạn, tác động nặng nề đến nhiều ngành nghề như hàng không, bán lẻ, khách
sạn, y tế, giáo dục xây dựng và công nghệ. Doanh nghiệp trong các ngành này cần
nhanh chóng thay đổi mô hình kinh doanh và do đó cần kỹ năng mới/nâng cao cho
nhân viên. Hệ thống đào tạo và giáo dục (trong và ngoài doanh nghiệp) cần phải
được cải tạo mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu
tái đào tạo và nâng cấp kỹ năng cho lực lượng lao động bị dôi dư. Việc sử dụng
công nghệ lấy con người làm trung tâm trở nên quan trọng để đảm bảo sự giao tiếp
và truyền tải kiến thức thông suốt có hiệu quả.
Nhu cầu bất động
sản thương mại thay đổi
Với sự thay đổi về
môi trường kinh doanh, thương mại điện tử và làm việc từ xa..., chi phí thuê
văn phòng thương mại sẽ bị áp lực giảm khi nhu cầu suy giảm. Nhiều hình thức sử
dụng văn phòng thương mại mới như chia sẻ nơi làm việc, không gian làm việc
thuê chung... sẽ ngày càng trở nên thịnh hành hơn là việc thuê/mua các trụ sở/văn
phòng làm việc phức hợp, tập trung, cố định. Với chi phí bất động sản dễ thở
hơn, nhiều ngành nghề sẽ được tái sinh hoặc quy hoạch lại về mặt không gian phù
hợp với sự biến đổi của môi trường xung quanh.
Những xu hướng và
thay đổi nói trên đã có tác động rõ ràng đến các chuẩn mực xã hội và hành vi của
các tổ chức và cá nhân người tiêu dùng ngay cả ở Việt Nam. Hiểu đúng và phản ứng
với những xu hướng này sẽ là động lực quan trọng cho thành công của doanh nghiệp
và cả nền kinh tế của chúng ta trong tương lai. Đặc biệt, những nhà lãnh đạo
công nghệ và đổi mới, những người phụ trách marketing và bán hàng đang có một động
lực hiếm có trước mặt mình mà có thể sử dụng để thực thi những giải pháp cần
thiết để xây dựng một nền tảng vững mạnh hơn cho doanh nghiệp và nền kinh tế trong
tương lai.
No comments:
Post a Comment