https://www.thesaigontimes.vn/313472/gio-thi-tet-chi-mong-hai-chu-binh-an.html
Đúng một năm nay đã không thể trở về, có mặt ở Việt Nam. Con virus SARS-CoV-2 bé đến gần như vô hình đã làm đảo lộn và ảnh hưởng đến tất cả trong suốt một năm qua, không chừa một ai...
Tết Tân Sửu chỉ còn mấy ngày nữa sẽ đến để tống tiễn năm cũ Canh Tý ốm o vì dịch Covid-19. Lại nhớ trước Tết Canh Tý, như một thói quen mới hình thành mấy năm nay, lò mò tra cứu tử vi trên mạng để xem ông trời có mỉm cười hay lại nhăn với mình trong năm mới. Nhìn chung là một năm xấu đang đến, nhưng sợ nhất là mấy dòng nói về sao xấu gây chuyện khóc than.
Khi tin tức về dịch Covid-19 bắt đầu dồn dập và trầm trọng về cấp độ, chợt liên hệ với những dòng tử vi nói về sự khóc than này mà rùng mình. Suốt cả năm qua, tâm trí bất an hướng về Việt Nam, nơi có bố mẹ già và thân quyến. Cứ mỗi đợt bùng phát dịch, mỗi đợt phong tỏa mới, nhất là ở Hà Nội, là lòng dạ lại bồn chồn.
Lần hồi rồi thì năm con chuột cũng sắp đi qua. Đếm ngược từng ngày để mong nó bỏ đi, để tai qua, nạn sẽ không đến, và nước mắt không phải rơi. Năm con trâu sắp tới cũng không phải là tốt nhưng dường như ông trời đã thương hơn nên đã gạch đi mấy chữ kinh sợ kia trong lá số cho năm mới.
Rồi đột ngột lại có đợt bùng phát dịch mới ở mấy tỉnh của Việt Nam với số ca nhiễm mới phát hiện đã đến cả hàng trăm người trong những ngày giáp Tết này. Lòng lại nhói lên buồn lo. Những lúc như thế này mới thấy công danh, sự nghiệp, tiền tài... chẳng còn mấy ý nghĩa nếu đặt bên sự sống và sức khỏe. Nếu bị cấm tham lam, chỉ được chọn lựa một lời cầu ước duy nhất thì đó hẳn là hai chữ “bình an” cho bản thân và mọi người dịp năm hết Tết đến.
Nhớ hồi đầu dịch, bắt đầu phong tỏa, đã từng viết cho một bạn trong ban phụ trách của báo rằng cảm thấy ghen tỵ với người ở Việt Nam vì vẫn được đi lại tự do, kể cả ra nước ngoài, do đã kiểm soát dịch tốt mà không “sơ sểnh” như ở Singapore.
Trong khi đó, với một cơ sở hạ tầng y tế yếu kém không thể đủ sức đương đầu với sự bùng phát dịch cùng lúc trên nhiều địa phương, phòng dịch mới là giải pháp hiệu quả, rẻ tiền và tổn thất sinh mạng ít nhất trong cuộc chiến với dịch Covid-19. Nhưng sau khi quan sát cách làm và thực tế ở hai nước, lại thấy lo vì sự chủ quan, vô tư của nhiều người ở Việt Nam. Những gì đã qua cho thấy nỗ lực phòng chống dịch ở Việt Nam mới chỉ tập trung hầu như ở vế thứ hai - chống dịch, được tóm tắt khá đúng trong câu ví von “chống dịch như chống giặc”, chứ không phải vế đầu - phòng dịch.
Bệnh tật nào rồi cũng sẽ có thuốc chữa, virus nào rồi cũng sẽ có vaccin. Nhưng cho đến lúc có vaccin ngừa Covid-19 và đã được tiêm chủng cho khắp gần hết dân số thì còn phải cần ít nhất nhiều tháng nữa. Trước và trong thời gian đó, virus SARS-CoV-2 không chờ đợi mà sẽ rình quay trở lại hoành hành bất cứ lúc nào có sự lơi lỏng, chủ quan của con người. Sự bình an trong buổi giao thời và năm mới sẽ tiếp tục bị thử thách nếu con người không thật sự nghiêm túc với con virus này.
Người Singapore sau một giai đoạn ngắn tưởng như bị mất kiểm soát trước sự lây lan của dịch Covid-19 đã nhanh chóng, nghiêm khắc và nhất quán thực thi chính sách phòng, chống dịch của mình theo từng giai đoạn. Dù đã khá lâu cho đến thời điểm này gần như không còn các ca lây nhiễm trong cộng đồng nhưng Chính phủ Singapore vẫn chỉ cho phép tối đa tám người (tăng lên từ năm người hồi tháng 12 năm trước) được tụ họp (mà vẫn phải đeo khẩu trang, trừ khi ăn uống...) trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các địa điểm ăn uống thì vẫn phải triệt để thực thi giãn cách xã hội như để trống bàn ghế gần nhau nếu không muốn bị phạt nặng... Các cuộc hội họp, tụ tập đông người vì thế đã trở thành chuyện của quá khứ một năm trước, không có ngoại lệ, bất kể đó là gì, kể cả của Chính phủ.
Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, rút kinh nghiệm từ các vụ lây nhiễm năm trước, Singapore còn thắt chặt giới hạn người tụ tập hơn nữa để phòng tránh lây lan dịch Covid-19. Kể từ 26-1, hàng ngàn nhân viên chính phủ và tình nguyện viên được cử đi khắp nơi giám sát sự tuân thủ hạn chế số người tụ tập. Ở cấp độ hộ gia đình, nếu nhà nào bị phát hiện có tổng cộng quá tám người khách đến nhà trong một ngày, và mỗi cá nhân nếu đến thăm quá hai nhà khác trong một ngày kể từ ngày 26-1 thì cả chủ nhà và khách sẽ bị phạt nặng.
Nhờ sự nhất quán, nghiêm khắc, không buông lơi phòng chống dịch như vậy, Singapore đã vững vàng bước vào giai đoạn bắt đầu triển khai tiêm phòng Covid-19 toàn dân mà không còn các đợt bùng phát dịch mới.
Nhìn về Việt Nam, nỗi lo đã phần nào thành sự thật khi đợt bùng phát mới ở quy mô lớn hơn, rộng hơn. Như những lần trước, việc chống dịch Covid-19 đã thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền nhiều địa phương. Nhưng, cũng như báo chí đã đưa tin, ở những địa phương và khu vực không bị phong tỏa, mọi thứ xem ra vẫn rất... bình an, vẫn hội họp, tụ tập đông người, vẫn nhiều người không đeo khẩu trang... Chắc rồi ngay cả những ngày Tết sắp tới thì sự tụ họp đông người cũng sẽ không bị quản chế, giới hạn, ngoài những vùng, khu vực bị phong tỏa từ đợt bùng phát dịch mới này.
Vì thế, hai chữ bình an thực sự cho mọi người có thể sẽ vẫn chỉ là lời ước. Nên, thay vào đó, mong mọi người dân và Chính phủ hãy làm tốt việc phòng dịch, cùng thực hành tốt hai chữ “tiết chế”, hạn chế tiếp xúc, đi lại, tụ họp đông người, để tự giữ mạng sống, sức khỏe của mình và người thân.
Trước mắt, cho dù có thể nhiều địa phương chưa xuất hiện ca nhiễm cộng đồng nào trong dịp Tết Nguyên đán này thì một trong những điều cần và có thể làm ngay là hủy bỏ, hạn chế, thu nhỏ quy mô, tổ chức nghiêm ngặt các biện pháp giãn cách xã hội trong các lễ, hội, cũng như không tổ chức bắn pháo hoa.
No comments:
Post a Comment