Nhiều năm qua, có
một “nghịch lý” là nhiều doanh nghiệp FDI ở Việt Nam triền miên báo lỗ mặc dù
không ngừng tăng vốn, mở rộng sản xuất, kinh doanh và doanh thu tăng qua các
năm. Nghịch lý này thường được thể hiện qua tỷ lệ rất cao (thường trên 50%; cụ
thể như năm 2019 là 55%) doanh nghiệp FDI báo lỗ, dù tổng doanh thu của số
doanh nghiệp này vẫn tăng, theo báo cáo về tình hình sản xuất kinh doanh của
doanh nghiệp FDI năm 2019 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, cũng
trong báo cáo trên, Bộ Tài chính chỉ đích danh một số doanh nghiệp FDI lớn tuy
có doanh thu tăng nhưng đóng góp cho ngân sách lại giảm đi, “chưa tương xứng với
những ưu đãi (đất đai, thuế...) dành cho những doanh nghiệp lớn này”.
Những tin tức như
vậy thường ngay lập tức làm nóng dư luận, dấy lên nghi ngờ rằng chuyện đóng góp
cho ngân sách giảm và khai báo lỗ này là kết quả của hành vi chuyển giá gian lận
để trốn thuế bởi các doanh nghiệp FDI khai lỗ. Song song đó sẽ là những kiến
nghị của giới chuyên gia rằng Nhà nước cần tiến hành thanh tra, kiểm tra để
phát hiện và xử phạt các hành vi chuyển giá bất hợp pháp, nếu có, trong số các
doanh nghiệp FDI báo lỗ này.
Điều đáng nói là
tuy nghi ngờ như vậy nhưng trên thực tế đã không có nhiều vụ việc chuyển giá
gian lận được phát giác và kết luận qua công tác tranh tra, giám sát các doanh
nghiệp FDI trong diện nghi ngờ của các cơ quan chức năng Việt Nam trong nhiều
năm qua.
Một mặt, thực tế
“đáng tiếc” này hoàn toàn không có nghĩa là có thể kết luận rằng không có nhiều
doanh nghiệp FDI đã có các hành vi chuyển giá gian lận và trốn được thuế ở Việt
Nam. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy, thậm chí sẽ là phản tác dụng nếu cứ nói
khơi khơi, mang tính quy kết như là bản chất, mà “không vạch mặt chỉ tên” được
hàng loạt doanh nghiệp FDI đã trốn thuế nhờ chuyển giá gian lận để minh họa.
Chí ít thì sự quy kết vô căn cứ này sẽ làm xói mòn lòng tin vào môi trường đầu
tư ở Việt Nam, cũng như gia tăng sự bài trừ, chống đối của một bộ phận công luận
vào dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như đã và đang được chứng kiến.
Chỉ cần nêu một
ví dụ là trong khi chỉ có một số ít các doanh nghiệp FDI bị kết luận là có hành
vi gian lận chuyển giá thì có hàng trăm doanh nghiệp trong nước chỉ riêng ở Hà
Nội đã bị kết luận như vậy (1) là đủ thấy rằng đang tồn tại một thành kiến lớn
về doanh nghiệp FDI, đại loại như trốn thuế và gian lận chuyển giá là thuộc
tính riêng và xu hướng của doanh nghiệp FDI.
Quay lại với báo
cáo trên của Bộ Tài chính, để việc công bố những con số về doanh thu, lỗ lãi của
doanh nghiệp FDI trở nên có ý nghĩa hơn, có lẽ Bộ Tài chính cần công bố song
song, và/hoặc so sánh tình hình hoạt động của khu vực doanh nghiệp nhà nước và
doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nếu tỷ lệ thua lỗ của các doanh nghiệp nhà nước
và tư nhân trong nước nhỏ hơn nhiều và/hoặc có xu hướng giảm thì chuyện thua lỗ
của doanh nghiệp FDI mới là điều đáng nói, và ngược lại.
Hơn nữa, việc Bộ
Tài chính kết luận rằng đóng góp cho ngân sách của một số doanh nghiệp FDI lớn,
cụ thể như Formosa Hà Tĩnh, “chưa tương xứng với những ưu đãi mà các doanh nghiệp
này được hưởng” là chưa hoàn toàn thỏa đáng. Bởi, các doanh nghiệp này rất có
thể sẽ lập luận rằng đóng góp của họ cho nền kinh tế Việt Nam không chỉ được
nhìn qua con số nộp ngân sách mà còn dưới các hình thức khác như tạo công ăn việc
làm cho người địa phương, tạo ra các liên kết với và đem đến doanh thu cho các
doanh nghiệp nội địa...
Thực tế là ngay
trong báo cáo thẩm định và phê duyệt đầu tư của các cơ quan chức năng bao giờ
cũng đề cập đến các hiệu quả tích cực này của doanh nghiệp FDI, mà không hiếm
khi họ dùng chính những hiệu quả này để vận động chấp thuận dự án trước sự phản
đối của dư luận vì những lo ngại như ô nhiễm môi trường. Nên nếu giờ mà nói rằng
các doanh nghiệp lớn này không đóng góp tương xứng với những gì họ được ưu đãi
thì cũng có nghĩa là đã thừa nhận sai lầm khi ủng hộ và phê duyệt dự án đầu tư
của các doanh nghiệp này.
Những con số mang
tính tiêu cực về doanh nghiệp FDI nêu trên còn đặt ra câu hỏi về năng lực của
các cơ quan hữu quan. Cần lưu ý rằng tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ trong nhiều
năm qua vẫn đứng ở mức lớn, thậm chí tăng lên. Ví dụ, năm 2017 tỷ lệ này là
52%, cao nhất trong giai đoạn 2012-2017 với tỷ lệ tương ứng từ 44% đến 52% (2).
Nếu hiện tượng doanh nghiệp FDI thua lỗ được gắn với hành vi trốn thuế, gian lận
chuyển giá thì sự tăng lên của tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ cho thấy các nỗ lực
xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật trong suốt hơn thập kỷ qua không có
hiệu quả và tác dụng, đồng thời cho thấy sự yếu kém trong thực thi các biện
pháp phòng chống gian lận chuyển giá của các cơ quan chức năng.
Hiển nhiên rằng sự
suy diễn này là không thỏa đáng vì rõ ràng là hệ thống pháp luật liên quan đã
chặt chẽ, đầy đủ hơn, và năng lực thanh tra cũng như sự phối hợp quốc tế trong
lĩnh vực phòng chống gian lận chuyển giá đã được cải thiện liên tục trong những
năm qua. Thế nên, tỷ lệ doanh nghiệp FDI báo lỗ cao (và tăng lên) càng cần phải
được phân tích một cách thỏa đáng, khoa học và có căn cứ hơn để tìm ra nguyên
nhân đích thực, từ đó đề ra những giải pháp xử lý xác đáng và hữu hiệu, cũng
như cách đang làm với khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Nói cách khác, nếu
muốn thực hiện thì Bộ Tài chính cần tổng kết tình hình hoạt động của khu vực
doanh nghiệp FDI đặt trong bối cảnh chung của toàn bộ các doanh nghiệp thuộc
các thành phần kinh tế khác để tránh gửi đi một thông điệp sai lầm mang tính
phân biệt, thành kiến.
(1)
http://thanglong.chinhphu.vn/thanh-tra-chong-chuyen-gia-giai-phap-ngan-chan-tron-thue
(2)
https://www.mof.gov.vn/webcenter/portal/mtttc/r/m/ptitutsuk/phodonttsk_chitiet?dDocName=MOFUCM147859&dID=154127&_afrLoop=3192203822257981#%40%3F_afrLoop%3D3192203822257981%26dDocName%3DMOFUCM147859%26dID%3D154127%26showFooter%3Dfalse%26showHeader%3Dfalse%26_adf.ctrl-state%3Dgxnrxzkpm_46
No comments:
Post a Comment