https://www.thesaigontimes.vn/314996/han-muc-tin-dung-de-lam-gi.html
Hiện nay Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) đang tiếp tục ban hành và phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng
cho từng ngân hàng và cả hệ thống ngân
hàng trong từng quý và cả năm. Mục đích của việc này được cho là để quản lý rủi
ro tín dụng, tuy dường như NHNN chưa bao giờ giải thích rõ bản chất cũng như động
cơ của việc này.
Khi NHNN đặt ra một tỷ lệ tăng
trưởng tín dụng tối đa cho một ngân hàng nào đó ở mức nhỏ hơn so với (cùng kỳ)
năm trước và/hoặc so với các ngân hàng khác trong hệ thống thì điều này có thể
được hiểu rằng ngân hàng này đang có mức độ rủi ro cao hơn so với chính nó hoặc
so với các đối thủ trong cùng hệ thống.
Sự rủi ro này có thể là kết quả
của việc ngân hàng này cho vay quá nhiều so với vốn chủ sở hữu hoặc cho vay quá
tập trung vào các lĩnh vực cho vay được cho là rủi ro cao như bất động sản,
trái phiếu doanh nghiệp, cổ phiếu và... các dự án BTO!
Nhưng để hạn chế những hậu quả
này thì NHNN không cần phải xiết lại hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân
hàng. Cụ thể hơn, để hạn chế rủi ro có ít vốn mà cho vay quá nhiều thì NHNN chỉ
cần yêu cầu và tăng cường thanh tra việc tuân thủ của các ngân hàng thương mại
về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu trên tổng tài sản có. Tỷ lệ này đã được quy định
trong nhiều thông tư như Thông tư 41/2016, rồi ngay trong bản thân các quy định
về vốn an toàn tối thiểu của Basel mà các ngân hàng đã tự nguyện đăng ký tuân
thủ (theo Basel II) và đã được NHNN công nhận.
Còn để hạn chế các ngân hàng
cho vay quá nhiều, quá tập trung vào các lĩnh vực rủi ro như trái phiếu doanh
nghiệp hay bất động sản thì đã có các quy định liên quan trong Thông tư 22/2019
quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của ngân hàng thương
mại. Ví dụ, về cho vay để đầu tư, kinh doanh trái phiếu doanh nghiệp, Thông tư
22 quy định một loạt điều kiện như chỉ được cấp tín dụng với thời hạn đến một
năm, có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, không được cấp tín dụng cho khách hàng trong một
số trường hợp quy định cụ thể, và tổng mức dư nợ cho vay để đầu tư, kinh doanh
trái phiếu doanh nghiệp không được quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp v.v...
Ngoài ra, Thông tư 22 cũng quy
định các hệ số rủi ro cho từng hạng mục tài sản. Tài sản được cho là rủi ro
càng cao thì hệ số rủi ro này cũng càng cao, làm cho ngân hàng thương mại càng
phải có thêm nhiều vốn chủ sở hữu nếu vẫn muốn cho vay cùng một lượng tín dụng
vào những lĩnh vực rủi ro này. Ví dụ như bất động sản, hệ số rủi ro áp dụng cho
tài sản này là 200%, so với mức 100% dành cho tài sản là cổ phần.
Cũng có thể có lo ngại rằng nếu
không quy định tăng trưởng tín dụng cho từng ngân hàng thì sẽ dẫn đến chạy đua
lãi suất, đẩy mặt bằng lãi suất lên cao, gây khó cho nền kinh tế. Tuy nhiên, mặt
bằng lãi suất trong cả hệ thống và nền kinh tế có tăng lên hay không lại phụ
thuộc cuối cùng vào chính sách tiền tệ của NHNN. Nếu NHNN sẵn sàng đáp ứng thanh
khoản của hệ thống và nền kinh tế thì việc một số ngân hàng nào đó tăng lãi suất
sẽ không gây ra áp lực đáng kể làm tăng lãi suất cả hệ thống. Cũng cần lưu ý rằng
NHNN đã từng áp dụng trần lãi suất. Không cần bàn đến việc công cụ này có lợi
hay hại, hiệu quả hay không, sự từng tồn tại của công cụ này càng cho thấy nếu
muốn chặn cuộc đua lãi suất thì sẽ có nhiều công cụ khác mà không cần phải áp đặt
hạn mức tăng trưởng tín dụng.
NHNN cũng quy định tỷ lệ tăng
trưởng tín dụng tối đa cho cả hệ thống ngân hàng trong từng thời kỳ. Khi tỷ lệ
tăng trưởng tín dụng nhỏ hơn so với cùng kỳ thì mục đích có thể là vì muốn điều
chỉnh tốc độ tăng trưởng tín dụng theo sát với tăng trưởng kinh tế để không gây
ra những vấn đề như tăng trưởng quá nóng, lạm phát đang có xu hướng tăng lên.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng lạm
phát đến từ tăng trưởng tín dụng cuối cùng sẽ phụ thuộc vào lập trường chính
sách tiền tệ của NHNN. Nếu NHNN xiết chặt hơn cung tiền thì NHNN sẽ không cần
phải xiết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một hay nhiều ngân hàng thương mại,
bởi yếu tố quyết định mức tăng trưởng tín dụng trong nền kinh tế chính là lượng
tiền bơm thêm ra nền kinh tế từ NHNN. Các ngân hàng thương mại chỉ là kênh
trung chuyển lượng tiền bơm ra này vào nền kinh tế chứ không phải là nơi tạo ra
tiền để mà lo ngại sẽ làm tăng lạm phát nếu không khống chế được việc cho vay của
họ.
Tóm lại, NHNN đã ban hành, thực
thi và có trong tay đầy đủ các công cụ để quản lý rủi ro trong hệ thống ngân
hàng liên quan đến việc cấp tín dụng của các ngân hàng thương mại cho nền kinh
tế. Những công cụ này hoàn toàn có thể thay thế được “công cụ” hạn mức tăng trưởng
tín dụng cho ngân hàng/hệ thống ngân hàng mà NHNN đang thực hiện. Việc cần làm
chỉ là thanh tra, kiểm tra, chế tài nghiêm ngặt để buộc các ngân hàng thương mại
phải nghiêm túc thực thi các quy định an toàn cho vay này.
Nếu vẫn tiếp tục áp dụng hạn mức tăng trưởng tín dụng thì các ngân hàng thương mại lại bị thêm một biện pháp quản lý hành chính kém minh bạch, mang tính trói buộc mà vẫn không làm cho hoạt động của hệ thống ngân hàng trở nên an toàn hơn.
No comments:
Post a Comment