Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XIII đã đề ra phương hướng phát triển mới cho nền kinh tế thông qua đẩy
mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới
sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực
hiện chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất, chất lượng,
hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trước đó, tháng
6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030, với một số mục tiêu cụ thể như: Đến năm
2025, kinh tế số chiếm 20% GDP; năm 2030 chiếm 30% GDP; 50% dân số có tài khoản
thanh toán điện tử vào năm 2025 và đến năm 2030 là 30% dân số…
Để hiện thực hóa những
định hướng và mục tiêu trên, Chính phủ có vai trò đặc biệt quan trọng. Tuy
nhiên, vấn đề này cho đến nay vẫn chưa được vạch ra một cách đầy đủ và rõ ràng.
Các chương trình và chiến lược phát triển liên quan vẫn nặng về các mục tiêu cụ
thể mà nhẹ về phần vai trò, nhiệm vụ và các giải pháp của Chính phủ trong triển
khai các chương trình và chiến lược này.
Dựa trên kinh nghiệm
của nhiều nước trên thế giới, phần tiếp theo trong bài viết này sẽ khái quát một
số vai trò và nhiệm vụ chính của Chính phủ trong công cuộc phát triển kinh tế số
ở Việt Nam.
Hoạch định chính sách
và đảm bảo sự tương thích giữa các sáng kiến số quốc gia với các ưu tiên phát
triển quốc gia
Tốc độ phát triển và
thay đổi công nghệ cũng như sự tăng trưởng bùng nổ về dữ liệu lớn đặt ra các
yêu cầu về đổi mới và cập nhật thường xuyên chính sách, cũng như quy trình và
thể chế làm chính sách nhanh chóng. Mặt khác, trong bối cảnh có sự phát triển mạnh
về mạng lưới và kinh tế quy mô, và xu hướng tạo ra độc quyền trong việc cung cấp
các nền tảng (platform) số, Chính phủ cần hoạch định và thực thi các chính sách
chống độc quyền để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các chủ thể trong
ngành.
Chính phủ cũng cần
làm cho Internet được phổ cập đến mọi ngõ ngách với chi phí thấp, tiếp cận rộng
mở và an toàn thông qua việc đảm bảo cạnh tranh trên thị trường, ban hành và thực
thi hữu hiệu các luật lệ và quy chế, quản lý băng thông và các nguồn lực khan
hiếm khác, tăng cường dữ liệu Chính phủ mở, và duy trì các hệ sinh thái
Internet rộng mở đối với nội dung (content) và các ứng dụng. Các chính sách
cũng cần phải đảm bảo mang lại tính riêng tư dữ liệu trực tuyến và an ninh mạng.
Bên cạnh đó, Chính phủ
cũng cần đảm bảo sự tương thích và đáp ứng giữa các sáng kiến số quốc gia với
các mục tiêu phát triển quốc gia. Sự tương thích này đặt ra thách thức không ngừng
đòi hỏi sự tương tác, phối hợp và quản lý chiến lược không gián đoạn giữa các
cơ quan làm chính sách chủ chốt với các bộ/cơ quan công nghệ phụ trách về nền
kinh tế số. Các bộ đảm trách tài chính, quản lý vĩ mô, và chiến lược phát triển
quốc gia cần hiểu rõ những đòi hỏi của nền kinh tế số, còn các bộ/cơ quan đảm
trách kỹ thuật liên quan đến công nghệ số, viễn thông, sáng tạo và giáo dục
v.v... thì cần đảm bảo có sự tham gia của tất cả các bên hữu quan vào quá trình
khai thác sáng tạo các công nghệ số cho mục tiêu phát triển bền vững và toàn diện.
Hỗ trợ R&D và
đóng vai trò bà đỡ kinh doanh trong nghiên cứu và thử nghiệm những platform và
công nghệ số mới
Việc nghiên cứu phát
triển (R&D) này sẽ tập trung không chỉ vào những công nghệ mới mà còn vào sự
bổ trợ cho con người của những công nghệ này, cũng như sự điều chỉnh đề phù hợp
với hoàn cảnh địa phương. Ở nhiều nước, R&D sẽ là về sáng tạo trong hoàn cảnh
địa phương, tức có nghĩa là theo dõi các xu hướng thế giới và dung nạp các công
nghệ số đang nổi lên và hiện diện trên thế giới, đồng thời thử nghiệm và điều
chỉnh chúng cho phù hợp với hoàn cảnh địa phương trước khi phổ cập nhân rộng
chúng.
Cuộc cách mạng công
nghệ số là cuộc cách mạng công nghệ phát triển nhanh và rộng nhất trong lịch sử
loài người. Một Chính phủ sẵn sàng chấp nhận rủi ro, có tính sáng tạo và ưa
hành động là điều cần thiết để khuyến khích tìm kiếm các công nghệ đang nổi lên
này, hỗ trợ cho người hấp thụ chúng sớm, và phát triển các chính sách bổ trợ và
không gian thử nghiệm cho việc hấp thu và địa phương hóa các công nghệ này.
Phát triển cơ sở hạ tầng
viễn thông xương sống và đảm bảo sự tiếp cận Internet rộng rãi với chi phí thấp
cho người dân
Các chính sách băng
thông rộng quốc gia có mục tiêu là triển khai cơ sở hạ tầng băng thông rộng
trong một khu vực địa lý (khu vực hay một quốc gia) thường đặt ra các mục tiêu
tham vọng về tốc độ dịch vụ băng thông rộng, mốc thời gian triển khai dịch vụ,
và sự dung nạp các dịch vụ. Chúng cũng thường có nội dung về tài trợ công và cơ
chế hợp tác công-tư.
Kinh nghiệm ở các nước
phát triển cho thấy việc triển khai băng thông rộng đòi hỏi phải giải quyết các
vấn đề ở cả hai phía cung-cầu. Trong khi các chính sách phía cung tập trung vào
củng cố cơ sở hạ tầng mạng để tung ra các dịch vụ thì chính sách phía cầu nhắm
đến việc tăng cường sự hiểu biết và hấp thu các dịch vụ. Việc khuyến khích xây
dựng trên phạm vi quốc gia các mạng băng thông rộng thường đòi hỏi Chính phủ phải
theo đuổi nhiều chiến lược tùy thuộc vào hoàn cảnh địa phương. Tuy nhiên, có một
số phương hướng tiếp cận chính sách đã thành thông lệ trên thế giới. Khu vực tư
nhân thường được chấp nhận như động lực chính cho sự phát triển băng thông rộng
ở hầu hết các nước. Ở các nước phát triển và một số nước đang phát triển, phần
chủ yếu của đầu tư tư nhân đến từ nội tại quốc gia. Ở các nước nghèo hơn thì
thu hút đầu tư nước ngoài tư nhân – bằng những giải pháp và chính sách hữu hiệu
– có thể là một cấu thành quan trọng của chiến lược băng thông rộng. Chính phủ
cũng có thể tăng tốc sự triển khai mạng và kích thích cạnh tranh bằng cách cho
phép, và thỉnh thoảng thậm chí có thể yêu cầu phải chia sẻ mạng.
Để khắc phục vấn đề kết
nối, Chính phủ cũng có thể áp dụng các chính sách như cung cấp các khuyến khích
tài chính để phát triển cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn; xây dựng các mạng được
trợ giá được sử dụng bởi nhóm những người dùng mà sự kết nối lẫn nhau giữa họ
là tối quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội, ví dụ như Chính phủ, các tổ
chức học thuật, giáo dục và R&D; và khuyến khích chia sẻ Internet và các
công cụ viễn thông, tin học khác cho những khu vực kém phát triển.
Đầu tư vào những yếu
tố bổ trợ con người và tổ chức, và học hỏi ở các ngành để đảm bảo quả ngọt kinh
tế số cho toàn dân
Cần phải đầu tư lớn để
thực thi các thay đổi về tổ chức, đổi mới quy trình, và các tài sản số vô hình
khác (như dữ liệu và nội dung số) để hiện thực hóa lợi ích số hóa. Sự đầu tư
này sẽ có ảnh hưởng lớn đến kỹ năng, vai trò, chuẩn mực, thói quen, làm việc
nhóm, đối tác liên ngành, và tập quán quản lý và lãnh đạo.
Phối hợp với tất cả
các bên hữu quan, Chính phủ đóng một vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo sự
lan truyền rộng rãi và hiệu quả các công nghệ số đến các khu vực tụt hậu và các
cộng đồng nghèo. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cần được Chính phủ hỗ trợ để thu nạp
các công nghệ số mới và học cách chuyển đổi việc kinh doanh và các tập quán của
mình.
Kinh tế số phát triển
sẽ khoét thêm hố sâu ngăn cách giàu nghèo. Để khắc phục, Chính phủ cần cung cấp
tiếp cận Internet và các công cụ công nghệ số với giá rẻ, phổ cập tri thức số,
và phát triển nội dung địa phương, năng lực thông tin, và các kỹ năng bổ trợ.
Nuôi dưỡng một hệ
sinh thái chuyển đổi số
Chính phủ cần có một
tầm nhìn tổng quát về chuyển đổi số quốc gia và xử lý việc chuyển đổi số như một
hệ sinh thái có tính tương tác cao độ, đòi hỏi phải có sự chia sẻ về tầm nhìn,
các chiến lược linh hoạt, các cam kết bền vững, và sự phố hợp của các cơ quan. Các
công nghệ số, cơ sở hạ tầng, plaform, ứng dụng, và dữ liệu lớn có sự phụ thuộc
lớn vào nhau và vì thế nên được đối xử như một hệ sinh thái động. Để tối đa hóa
quả ngọt chuyển đổi số đòi hỏi phải đánh giá và nuôi dưỡng hệ sinh thái này.
Hệ sinh thái chuyển đổi
số có thể bao gồm các cấu phần sau:
(i)
Các
chính sách và cơ quan chức năng: Đây là những công cụ thiết yếu để Chính phủ phối
hợp và điều phối toàn bộ hệ sinh thái chuyển đổi số. Chúng tạo thành môi trường
để tăng cường tương tác giữa các yếu tố trong hệ sinh thái;
(ii)
Vốn
con người: Nguồn nhân lực chất lượng cao là trái tim của cách mạng số với tư
cách vừa là người sử dụng, vừa là người sản xuất; vốn con người gồm kỹ năng quản
lý chính sách và kỹ thuật, và tri thức về số và thông tin nói chung, cũng như
tinh thần kinh doanh;
(iii)
Ngành
dữ liệu và tin học: Trong ngành này thì các năng lực địa phương trong phát triển
phần mềm và phân tích dữ liệu là cốt lõi của sức cạnh tranh, tạo điều kiện để sử
dụng rộng rãi và hiệu quả trong nước các công nghệ số;
(iv)
Cơ sở
hạ tầng số: Đây là nói về cơ sở hạ tầng truyền thông có chi phí hợp lý và cạnh
tranh, gồm sự tiếp cận Internet và các công cụ tin học, băng thông rộng, các
plaform chủ chốt như điện toán đám mây và hệ thống thanh toán số với chi phí hợp
lý; và
(v)
Các ứng
dụng chuyển đổi số: Cấu phần này gồm các ứng dụng công nghệ số và đầu tư mang
tính bổ trợ vào các năng lực thể chế để chuyển đổi các ngành sử dụng tin học của
nền kinh tế gồm Chính phủ số, tài chính thương mại số, và chuyển đổi số trong
các ngành kinh tế ưu tiên khác.
Xây dựng một nền kinh tế số sáng tạo
Chính phủ có nhiệm vụ giảm bất bình đẳng kinh tế và vai trò của các công
nghệ số thì hoặc làm trầm trọng thêm, hoặc giúp giảm bớt sự bất bình đẳng này.
Để giảm bất bình đẳng thì Chính phủ cần đảm bảo những công nghệ số này được tiếp
cận với chi phí thấp bởi nhóm người nghèo. Vì tin học là công nghệ áp dụng
chung nên tính hữu dụng và tác động của nó phụ thuộc vào năng lực của người sử
dụng và nhiều yếu tố khác mà thường cộng đồng người nghèo không có. Do đó Chính
phủ có vai trò khuyến khích một xã hội tin học dung nạp rộng rãi mọi người bằng
cách hỗ trợ các sáng tạo chi phí thấp, thân thiện với người nghèo.
Một cách tiếp cận để xây dựng xã hội như vậy là thông qua các quỹ sáng tạo
theo nhu cầu, từ dưới đi lên. Chính phủ khuyến khích các đại học và doanh nghiệp
thử nghiệm các công nghệ mới để mở rộng cơ hội cho người nghèo. Vốn từ các quỹ
này có thể thay đổi năng lực của các cộng đồng, chất lượng hoạt động của các thể
chế địa phương, sự vận hành của các thị trường và đời sống của người nghèo
trong các cộng đồng này. Các quỹ này có thể không tạo ra những phát minh mang
tính bước ngoặt nhưng chúng có thể huy động được các cộng đồng địa phương,
doanh nghiệp và các tổ chức phi lợi nhuận để cùng tạo ra các giải pháp số trực
tiếp phục vụ cho nhu cầu số của các cộng đồng.
Tạo dựng năng lực Chính phủ số
Chính phủ cần sử dụng đòn bảy cách mạng số để làm khu vực công trở nên có
năng lực hơn và có tính đáp ứng hơn, và để mở rộng sự tham gia của công dân vào
và có tiếng nói hơn trong dịch vụ công và quá trình làm chính sách.
Chuyển đổi Chính phủ là quá trình xác định lại quan hệ giữa Chính phủ và
người dân (và doanh nghiệp) để chuyển hoạt động thành lấy dân/khách hàng làm
trung tâm. Mô hình có tính cách mạng này sẽ tương tự như việc ứng dụng một công
nghệ có tính hủy diệt sáng tạo vào một hệ thống truyền thống, nơi, ví dụ, Chính
phủ đóng vai trò trung tâm.
Điểm khởi đầu cho chặng đường chuyển đổi này là tạo ra một tầm nhìn viễn kiến
về một Chính phủ mơ ước trong tương lai. Viễn kiến này cần phải tích hợp trong
đó các tập quán tốt nhất trong việc đổi mới các cơ quan khu vực công như quản
lý theo kết quả, đặt người dân làm trọng tâm, và phục vụ dân theo yêu cầu.
Viễn kiến này cần được hiểu rõ và tuân thủ bởi tất cả các bên hữu quan. Quy
trách nhiệm rõ ràng đối với chất lượng dịch vụ công trước dân là then chốt để đối
lại sự chống đối của nhóm lợi ích muốn duy trì hiện trạng để trục lợi. Đầu tư
vào Chính phủ điện tử sẽ có tác động lớn nhất khi kết hợp với cải tạo dịch vụ
công cộng: Chính phủ số không chỉ bao gồm du nhập các quy trình được số hóa mà
còn thay đổi kỹ năng, động lực, và văn hóa phục vụ dân để làm tăng tính chuyên
nghiệp, sự phối hợp, trách nhiệm, và tính minh bạch. Để đạt được những thay đổi
này cần đầu tư mạnh mẽ vào thay đổi thói quen, tổ chức, và quan hệ quyền lực –
một sự đầu tư dài hạn mà chỉ có thể bền vững bằng một viễn kiến rõ ràng, có động
lực và được thấm nhuần.
Sự thay đổi về cơ bản trong Chính phủ không bao giờ là điều dễ dàng. Chúng
không thể có được chỉ bởi công nghệ. Còn cần phải có thay đổi về thái độ, kỹ
năng, các thói quen thành lối mòn, và văn hóa tổ chức.
Tóm lại, kỷ nguyên số đặt ra yêu cầu cao hơn cho Chính phủ. Nền kinh tế đổi mới sáng tạo đòi hỏi phải có Chính phủ đổi mới sáng tạo, không chỉ tự biến mình thành một chủ thể có tính đáp ứng và linh hoạt mà còn phải đưa ra được các chính sách và platform để thúc đẩy sự vận hành của một nền kinh tế số năng động. Chính phủ phải xây dựng và bồi bổ năng lực của mình theo thời gian và học cách hoàn thành tốt vai trò mới và rộng hơn theo kịp đòi hỏi của kỷ nguyên số.
No comments:
Post a Comment