https://www.thesaigontimes.vn/315217/rot-cuoc-tien-ma-hoa-co-phai-la-tien.html
Bitcoin, Litecoin,
Ethereum và những thứ tương tự được coi là một loại tiền, với cái đuôi là ‘mã
hóa’ hoặc thậm chí là ‘ảo’. Vậy tại sao chúng lại được coi là tiền?
Lấy ví dụ Bitcoin,
nó được thiết kế để thực hiện chức năng đúng như tiêu đề của bài viết:
“Bitcoin: An Electronic Peer to Peer Cash System” (tạm dịch: ‘Bitcoin: Một Hệ
thống Tiền Đồng đẳng Điện tử’) xuất hiện trên mạng bởi người sáng lập dưới cái
tên Satoshi Nakamoto ngày 31/10/2008. Theo đó, Bitcoin có thể được dùng như một
đồng tiền để thanh toán trực tiếp cho một chủ thể khác trong một giao dịch
thương mại nào đó. Ví dụ “kinh điển” về việc thanh toán dùng Bitcoin vẫn được
trích dẫn cho đến nay là vụ ông Laszlo Hanyecz hồi năm 2010 trả 10.000 Bitcoin
để mua 2 cái bánh pizza, tương đương với số tiền khoảng 600 triệu đô la theo
giá Bitcoin hiện tại.
Bitcoin cũng được
coi là “vật” có/lưu trữ giá trị, dù nó không được coi là có giá trị nội tại bởi
nó không phải là thực thể có giá trị như vàng, và cũng không được bảo đảm giá
trị bằng bất cứ tài sản hay bởi một chính phủ nào như đối với tiền pháp định.
Nhưng dù giá Bitcoin trồi sụt mạnh hàng ngày, giá của nó chưa bao giờ về 0. Hơn
thế, Bitcoin được cho rằng sẽ không bao giờ có giá giảm xuống 0 (vô giá trị),
do lúc nào cũng sẽ có hơn một người tin rằng Bitcoin có giá trị lớn hơn 0 và,
do đó, niềm tin này tạo ra giá trị cho bitcoin, hệt như cách nhiều người tin rằng
vàng có giá trị nội tại nên vàng trở nên có giá trị lớn hơn 0.
Với các chức năng
là công cụ thanh toán, lưu trữ giá trị, đồng thời cũng là một đơn vị tính toán
nên rõ ràng các loại tiền ảo hay tiền mã hóa như Bitcoin đáp ứng được các điều
kiện để được gọi là tiền tệ. Và trong lúc vẫn còn rất nhiều người, tổ chức và
Chính phủ vẫn hoài nghi hoặc không công nhận điều này, PayPal hôm 30/3 đã công
bố một dịch vụ mới gọi là ‘Checkout with Crypto’ (tạm dịch: Chuyển đến bước
thanh toán bằng tiền mật mã) cho phép khách hàng lựa chọn trong số Bitcoin,
Litecoin, Ethereum hoặc Bitcoin Cash như một phương tiện thanh toán để mua hàng
hóa từ hàng triệu nhà bán lẻ trên thế giới. Một khi việc mua đã được xác nhận,
PayPal sẽ chuyển số tiền mã hóa này sang tiền pháp định hộ cho người mua, và
người mua sẽ nhận được hai hóa đơn, gồm hóa đơn mua hàng và hóa đơn ghi lại việc
bán tiền mã hóa lấy tiền pháp định. Như vậy, cùng với việc Elon Musk tuyên bố
hãng Tesla sẽ chấp nhận Bitcoin từ khách hàng mua ô tô, sự cho phép khách hàng
thanh toán bằng tiền mã hóa của PayPal được tin rằng sẽ mở rộng hơn nữa sự sử dụng
và phổ biến của Bitcoin.
Tuy nhiên, vấn đề
thực sự với Bitcoin là giá của nó đã tăng đến hơn 700% trong một năm qua (và
tương tự ít nhiều như vậy là nhiều loại tiền mã hóa khác). Nên dù Bitcoin có được
chấp nhận rộng rãi như một công cụ thanh toán thì câu hỏi liên quan sẽ là, liệu
Bitcoin sẽ thực sự trở thành một công cụ/phương tiện thanh toán phổ biến?
Để trả lời câu hỏi
trên, cần trả lời câu hỏi khác là, tại sao người mua ô tô Tesla hoặc mua hàng
trên PayPal lại muốn thanh toán bằng Bitcoin thay vì tiền pháp định như USD,
euro hay yen...? Bảo là vì bảo mật hay vì tính tiện lợi thì đều không đúng, ít
nhất với những giao dịch kiểu như vậy. Vậy chỉ có thể giải thích được rằng Tesla
hay PayPal đang đầu tư, nắm giữ Bitcoin, hoặc có lợi ích liên quan đến sự lên
giá của Bitcoin nên muốn quảng bá Bitcoin để nó tiếp tục tăng giá hơn nữa bằng
“thiện ý” là tăng tính tiện lợi cho người mua hàng hóa thông qua việc cho phép
họ được thanh toán bằng Bitcoin. Chắc nhiều tổ chức khác như ngân hàng đã và sẽ
chấp nhận Bitcoin cũng có cùng mục đích như vậy, dù nó không bao giờ được nói
ra.
Nhưng nếu người
mua cũng tin rằng Bitcoin sẽ tiếp tục lên giá, nhất là thỉnh thoảng lại có một
dự báo của các tổ chức khả tín rằng Bitcoin sẽ còn tăng giá đến cả trăm ngàn, thậm
chí triệu đô la... thì đương nhiên sẽ chẳng có ai dại gì dùng Bitcoin để thanh
toán đơn hàng của mình. Ngay vào hôm 30/3 là ngày PayPal công bố việc chấp nhận
tiền mã hóa, giá của Bitcoin bằng đô la Mỹ đã tăng 3,8%, đồng nghĩa với thiệt hại
cho khách thanh toán ngày hôm đó bằng Bitcoin từng đó đô la. Ngược lại, khách
hàng sẽ cố gắng mua hàng hóa bằng tiền pháp định mà họ tin rằng sẽ suy yếu vì lạm
phát, chẳng hạn như với trường hợp đô la Mỹ với mức lạm phát mục tiêu mà Fed đặt
ra là trên 2%/năm trong các năm tới.
Như vậy, dù tiền
mã hóa đúng là tiền nhưng nó sẽ không được sử dụng nhiều với tư cách là công cụ
thanh toán, ít nhất cho đến khi có dấu hiệu rõ ràng rằng tiền mã hóa đang xuống
dốc hoặc sớm bị đặt ra ngoài vòng pháp luật như ở Ấn Độ, nơi đang dự thảo luật
cấm triệt để, thậm chí phạt tù người sở hữu và sử dụng Bitcoin. Thay vào đó, tiền
mã hóa có lẽ chủ yếu vẫn sẽ chỉ là một tài sản đầu tư.
Điều trên có liên
quan đôi chút đến Việt Nam. Bitcoin hay các loại tiền mã hóa, tiền ảo khác bị
coi là tài sản ảo nên không được pháp luật thừa nhận ở Việt Nam. Giao dịch bằng
tiền ảo cũng bị cấm. Nhưng trên thực tế như hiện nay của Bitcoin, và cùng với sự
(sắp) ra đời của nhiều loại tiền hợp pháp, được công nhận khác trên thế giới gồm
stablecoin và tiền số ngân hàng trung ương, Việt Nam cần thiết phải sớm có một
sự thay đổi về quan điểm, chuyển sang công nhận ít nhất là một số loại tiền mã
hóa/ảo là tiền/ngoại tệ (tức là không đánh đồng mọi loại như nhau và... không công nhận!).
Đồng thời, như đã nêu, vai trò của tiền mã hóa/ảo hiện chủ yếu là tài sản đầu tư, cộng thêm với việc khó hoặc không thể theo dõi, phát hiện các giao dịch bằng tiền mã hóa nên việc cấm giao dịch bằng các đồng tiền này sẽ gần tương đương với việc vụt gậy vào khoảng không. Nên nếu vì một lý do nào đó để e ngại các giao dịch bằng tiền mã hóa thì tốt nhất là xác định rõ tiêu chí để chế tài bằng pháp luật mọi hành động phổ biến, sở hữu, giao dịch các loại tiền gọi là mã hóa, tiền ảo nhưng thực chất có tính đa cấp, lừa đảo mà thôi.
No comments:
Post a Comment