https://baodautu.vn/nghich-ly-do-la-hoa-va-kinh-te-tien-mat-dang-tang-len-d141783.html
Quyết định
2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã hạ lãi suất tiền
gửi USD của cả tổ chức và cá nhân xuống còn 0%/năm. Quyết định này được cho là
một trong những công cụ nặng ký trong cuộc chiến của NHNN giảm và triệt tận gốc
nạn đô la hóa ở Việt Nam. Vài năm trôi qua, nay cùng nhìn lại xem tình trạng
đô la hóa trong nền kinh tế có được cải thiện như kỳ vọng hay không.
Trước tiên, để đo
lường tình trạng đô la hóa trong quá khứ và hiện tại, cần hiểu rõ khái niệm đô
la hóa. Đây là thuật ngữ chỉ
tình trạng USD hay ngoại tệ thay thế một phần hay toàn bộ bản tệ của một
nền kinh tế. Lưu ý là loại ngoại tệ
gây ra tình trạng đô la hóa không nhất thiết chỉ là USD như cái tên gọi của nó.
Đo lường chính
xác mức độ đô la hóa – mức độ mà người dân sở tại nắm giữ trái phiếu nước ngoài, tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ,
và tiền mặt ngoại tệ gồm tiền giấy và tiền xu – là điều khó khăn. Thay vào đó,
một phương pháp ước tính tình trạng đô la hóa do IMF đề xuất đã được sử dụng rộng
rãi, đó là dùng tỷ lệ tiền gửi bằng ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng nội địa.
NHNN công bố định
kỳ trên website số liệu hàng tháng về tổng phương tiện thanh toán gồm các cấu
phần là tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi tiết kiệm của dân cư bằng
tiền đồng, mới nhất là đến
tháng 2/2021. Đồng thời, NHNN cũng
công bố tỷ lệ “tiền trong lưu thông” (tức là tiền mặt, nằm ngoài hệ thống ngân hàng) trong tổng
phương tiện thanh toán hàng tháng. Ngoài ra, theo công thức tính tổng phương tiện
thanh toán áp dụng ở Việt Nam:
Tổng phương tiện thanh toán = Tiền trong lưu thông + Tiền gửi tổ chức và dân cư bằng tiền đồng
+ Tiền gửi tổ chức và dân cư bằng ngoại tệ
Do đó, tiền gửi bằng
ngoại tệ của tổ chức và dân cư được tính bằng cách lấy tổng phương tiện thanh
toán trừ đi tiền trong lưu thông và tiền gửi bằng VND của tổ chức và dân cư/cá
nhân.
Dựa vào các dữ liệu
trên, ta có bảng sau:
Theo đó, tỷ trọng
tiền gửi bằng ngoại tệ đã có xu hướng tăng lên từ năm 2015, thời điểm ban hành
Quyết định 2589 không chế trần lãi vay USD 0%. Tỷ trọng này đạt mức cao nhất là
6,2% vào cuối năm 2020 và duy trì sang đến tháng 2/2021. Nếu tính tỷ trọng tiền
gửi bằng ngoại tệ trong tổng tiền gửi ngân hàng theo phương pháp xác định mức độ
đô la hóa của IMF thì kết quả sẽ còn lớn hơn nữa, bởi tổng tiền gửi ngân hàng
nhỏ hơn tổng phương tiện thanh toán.
Nói cách khác, tình
trạng đô la hóa đã có xu hướng tăng trở lại kể cả sau khi lãi suất tiền gửi USD
bị khống chế ở mức 0%.
Một số trong những
lý do cho tình trạng này có thể là: (i) Tuy lãi suất tiền gửi USD là 0% trên
danh nghĩa, nhưng thực tế người gửi vẫn có một số cách để làm cho lợi tức thực
thu được từ khoản tiền gửi USD này lớn hơn 0%, làm cho việc nắm giữ USD vẫn có
ý nghĩa, nhất là khi giá USD được kỳ vọng tăng; (ii) ngân hàng vẫn trả lãi
dương cho các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ khác ngoài USD, nên người gửi có thể
chọn ngoại tệ khác để gửi tiết kiệm vào ngân hàng thay vì USD, làm cho con số
thống kê về tiền gửi ngoại tệ không giảm đi như kỳ vọng; và (iii) tâm lý phòng
ngừa rủi ro vĩ mô thông qua nắm giữ ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp vẫn
còn đó, đặc biệt khi tổng phương tiện thanh toán (cung tiền) tăng mạnh như năm
2020 và đến đầu năm 2021 trong khi tăng trưởng GDP yếu hơn trước tạo rủi ro lạm
phát cao.
Chuyển sang vấn đề
thứ hai là kinh tế tiền mặt. Cũng bảng trên cho thấy lượng tiền mặt nắm giữ
trong dân và doanh nghiệp có xu hướng giảm nhẹ dần từ năm 2017 xuống 11,1% của
tổng phương tiện thanh toán vào cuối năm 2020 nhưng lại đột ngột tăng mạnh lên
vào các tháng đầu năm 2021. Như vậy, có thể
nói người dân và/hoặc doanh nghiệp đột ngột trở nên ưa thích nắm giữ tiền
mặt hơn là gửi vào ngân hàng.
Ứng với sự tăng
lên của tiền mặt này là sự sụt giảm mạnh tiền gửi bằng VND của các tổ chức kinh
tế và sự tăng mạnh của tiền gửi bằng VND của dân cư. Cụ thể, doanh nghiệp và
các tổ chức kinh tế đã rút vốn mạnh khỏi hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng
2/2021 so với cuối năm 2020 (giảm gần 430 nghìn tỷ đồng) để chuyển một phần
thành tiền mặt tăng lên (tăng gần 150 nghìn tỷ đồng so với cuối tháng 12/2020)
và một phần khác thành tiền gửi cá nhân/dân cư (tăng gần 390 nghìn tỷ đồng).
Trong khi khó có
thể tìm được lý do chính xác cho việc rút vốn khỏi hệ thống ngân hàng của các tổ
chức kinh tế, nhưng liệu điều này có liên quan đến cơn sốt chứng khoán và bất động
sản hiện nay, đã xui khiến doanh nghiệp rút bớt vốn ra để kinh doanh chứng
khoán và bất động sản để rồi doanh thu/lợi nhuận thì được phân bổ cho cá nhân
(cổ đông, đối tác...) và giữ dưới dạng tiền mặt để tiếp tục quay vòng kinh
doanh (mà không gửi vào ngân hàng, dù chỉ là tạm thời, với lý do như nói ở phần
cuối bài)?
Trước thực trạng
đô la hóa và tiền mặt đang tăng lên, NHNN cần xem xét sửa đổi và tốt nhất là
xóa bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi USD, bởi như đã nói, dù có trần 0% thì
người dân và doanh nghiệp vẫn gửi USD và nhất là ngoại tệ khác. Hơn nữa, chỉ
quy định trần tiền gửi USD 0% mà không quy định trần lãi suất cho các ngoại tệ
khác thì không khác gì coi đô la hóa chỉ liên quan đến USD chứ không phải cả
các ngoại tệ khác, như nói ở đầu bài. Giải pháp hiệu quả và căn cơ nhất vẫn phải
là làm cho lòng tin vào tiền đồng liên tục cải thiện để người dân và doanh nghiệp
không còn nhu cầu tích trữ ngoại tệ (gồm USD) và khi cần để thanh toán cho các
nhu cầu chính đáng thì có thể dễ dàng mua từ ngân hàng.
Về hiện tượng tiền
mặt trong lưu thông đang tăng lên, nếu điều này kéo dài trong các quý tới thì
đây là một chỉ báo không mấy tốt lành, nhất là khi xét đến sự phổ cập ngày càng
rộng rãi của các phương tiện thanh toán phi tiền mặt. Nghịch lý này có khả năng
liên quan đến chuyện trốn thuế và/hoặc lo ngại về tính riêng tư và bảo mật sẽ
không được đảm bảo bởi quy định mới đây của Bộ Tài chính buộc các ngân hàng phải
chia sẻ dữ liệu về tài khoản và các giao dịch của người gửi tiền. Vì quy định
này đã bị phản đối rộng rãi nên có lẽ Bộ Tài chính cũng cần tiếp thu để sửa đổi
cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
No comments:
Post a Comment