https://cafef.vn/ts-phan-minh-ngoc-khong-can-lap-so-giao-dich-vang-quoc-gia-20210427071057621.chn
Hiệp hội Kinh
doanh vàng Việt Nam mới đây nhắc lại các kiến nghị nới lỏng chính sách đối với
hoạt động kinh doanh vàng. Trong số 4 kiến nghị chính đưa ra, có kiến nghị hoàn
toàn hợp lý nhưng cũng có kiến nghị không.
Cụ thể, kiến
nghị thứ nhất, đưa ngành sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ ra khỏi danh mục
ngành nghề kinh doanh có điều kiện; cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu
cho doanh nghiệp để có đủ nguyên liệu để sản xuất nhằm thu hẹp chênh lệch giữa
giá vàng trong nước với quốc tế.
Việc đưa sản xuất
vàng trang sức khoải danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cần thiết.
Bởi, xét tiêu chí ngành kinh doanh có điều kiện vì các lý do như quốc phòng, an
ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, và sức khỏe cộng đồng...
thì ngành sản xuất vàng trang sức hoàn toàn không liên quan đến những lý do
này.
Về bản chất, sản
xuất vàng trang sức cũng chỉ như sản
xuất hàng hóa tiêu dùng, trang trí thông thường. Bản thân ngành sản xuất vàng
trang sức cũng không có tên trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện
trong phụ lục ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021.
Một khi đã được
loại ra khỏi danh mục kinh doanh có điều kiện thì việc cấp phép hoặc để doanh
nghiệp tự do nhập khẩu vàng nguyên liệu là điều cần thiết hoặc là đương nhiên.
Kiến nghị thứ
hai, nhiều quy định tại
Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại, vì vậy cần
sửa đổi theo hướng "cởi trói" cho doanh nghiệp.
Kiến nghị trên là
hợp lý, với minh chứng chính là việc loại ngành sản xuất vàng trang sức khỏi
danh mục kinh doanh có điều kiện, và cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng
nguyên liệu. Ngoài ra, một số nội dung trong các kiến nghị dưới đây là hợp lý
nên (nếu chấp nhận thì) việc sửa đổi văn bản luật liên quan là tất yếu.
Kiến nghị thứ
ba, bỏ quy định Ngân hàng
Nhà nước (NHNN) độc quyền sản xuất vàng miếng, không sử dụng một loại vàng miếng
SJC làm thương hiệu độc quyền. Việc cấp phép cho một số doanh nghiệp đủ điều kiện
để sản xuất vàng miếng sẽ giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng, bình đẳng của
vàng miếng trên thị trường, tạo lợi thế cho người dân khi mua vàng.
Kiến nghị trên là
hợp lý bởi căn cứ pháp lý cũng như ý nghĩa của việc NHNN độc quyền sản xuất
vàng miếng là không rõ ràng, thiếu tính thuyết phục. Và hiệu quả của việc này
thể hiện cho đến nay cũng không thuyết phục, bởi trên thực tế giá vàng (miếng,
độc quyền) vẫn giao động mạnh thậm chí hàng giờ và chênh lệch ngày càng lớn so
với giá vàng thế giới (có lúc lên đến hơn 8 triệu đồng/lượng từ mức vài trăm
nghìn đồng/lượng cách đây chục năm). Lưu ý rằng ổn định giá vàng trong nước và
chênh lệch của giá vàng trong nước với thế giới chính là một lý do hàng đầu cho
việc ban hành Nghị định 24 nhằm ổn định thị trường vàng trong nước.
Kiến nghị thứ
tư, cho phép thành lập Sở
Giao dịch vàng quốc gia nhằm tạo ra sự liên thông của giá vàng trong nước với
giá vàng quốc tế. Điều này sẽ giúp loại bỏ những sàn vàng chui hoạt động bất hợp
pháp, tăng huy động vàng trong dân, giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt và chống
thất thu thuế của Nhà nước.
Đa phần kiến nghị
này là không hợp lý và/hoặc không cần thiết. Nếu chỉ để nhằm tạo sự liên thông
của giá vàng trong nước với giá vàng quốc tế thì việc cho phép nhập khẩu vàng
nguyên liệu, vàng miếng, đi đôi với việc xóa bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng
như trong kiến nghị thứ ba nêu trên là đủ để giá vàng miếng và vàng trang sức trong nước có tính cạnh
tranh cao và hoàn toàn liên thông với giá vàng thế giới.
Việc ra đời và tồn
tại những sàn vàng chui có một phần là kết quả của việc nhà nước độc quyền sản
xuất vàng miếng và không cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu, vàng miếng. Nếu
xóa bỏ những quy định này thì sự tồn tại của sàn vàng chui sẽ tự khắc thu hẹp lại
và chấm dứt, giống như việc nhập vàng lậu.
Ngoài ra, sự ra đời
và tồn tại của các sàn vàng chui là bất hợp pháp vì... không xin phép. Nên biện
pháp xử lý phải là như xử lý với các hoạt động sản xuất kinh doanh không phép,
chứ không phải, về logic, lại thành lập một cái sàn chính thức/quốc gia với các
mục đích và lợi ích không rõ. Cũng không có gì khẳng định rằng khi lập sàn quốc
gia rồi thì các sàn chui khác sẽ tự khắc đóng cửa. Lập luận ngược lại, nếu sau
khi cho lập sàn quốc gia rồi mà có một sàn tư nhân nào đó xin phép thành lập để
cạnh tranh với sàn quốc gia thì có cấp phép hay lại cấm? Nên nhớ rằng ở các nước,
sàn giao dịch vàng, nếu có, chủ yếu là sàn tư nhân chứ không phải là sàn quốc
gia, ví dụ như ở Singapore (xem ở đây: https://sgpmx.com). Và cũng cần nhớ rằng trên thế giới hiện
tại chỉ có một số ít sàn giao dịch vàng, chứ không phải là nước nào cũng có sàn
giao dịch vàng (xem ở đây: https://www.gold.org/what-we-do/gold-market-structure/global-gold-market).
Ngay cả những nước
có nhu cầu nhập khẩu, kinh doanh vàng lớn trên thế giới như Ấn Độ mà đến thời
điểm nay cũng vẫn chỉ mới đang có kế hoạch thành lập sàn giao dịch vàng (xem ở
đây: https://www.indiatoday.in/business/budget-2021/story/bullion-experts-welcome-gold-exchange-in-india-1764945-2021-02-01#:~:text=In%202020%2C%20the%20government%20notified,changer%20for%20India's%20gold%20economy.)
Việc thành lập
sàn vàng quốc gia không liên quan gì đến việc huy động vàng trong dân, bởi sàn
vàng chỉ là nơi người dân và tổ chức thực hiện cả mua lẫn bán vàng cho nhau.
Vàng lúc đó sẽ chỉ trao tay từ người này sang người kia, và ai (kể cả Nhà nước)
muốn “huy động” vàng của dân thì phải có tiền để “huy động”, chứ bản thân cái
sàn vàng không tự “huy động” được vàng trong dân. Nói ngược lại, nếu có tiền và
muốn “huy động” vàng trong dân thì chẳng cần đến sàn vàng mà chỉ cần niêm yết
mua công khai như cách mà các ngân hàng trước đây mua vàng của dân thì tự khắc
sẽ “huy động” được và tùy ý.
Thành lập sàn
vàng cũng không nhất thiết làm giảm thiểu giao dịch bằng tiền mặt (dùng trong
giao dịch liên quan đến vàng). Giao dịch trên sàn vàng đúng là đòi hỏi phải có
chuyển khoản, nên sàn vàng sẽ làm giảm giao dịch bằng tiền mặt liên quan đến
vàng, với điều kiện là các giao dịch ngoài sàn vàng sẽ phải giảm đi tương ứng.
Nhưng mặt khác, nếu cho phép doanh nghiệp nhập khẩu vàng, có thêm thương hiệu
vàng để kinh doanh thì việc này sẽ rất có thể làm tăng giao dịch bằng tiền mặt
giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người dân, diễn ra ngoài
sàn vàng. Và kết hợp với lý do dưới đây nữa.
Thành lập sàn
vàng cũng không giúp chống thất thu thuế. Nếu đúng là có việc này thì chính nó
sẽ làm cản trở người dân/doanh nghiệp tham gia sàn vàng bởi không ai muốn phải
nộp thuế khi giao dịch trên sàn (bên cạnh những chi phí giao dịch phát sinh
khác khi mua bán trên sàn), thay cho những giao dịch truyền thống (được cho rằng
đã trốn thuế, và tất nhiên là có chi phí giao dịch bằng 0).
No comments:
Post a Comment