Tuần qua có hai sự
kiện có đôi chút liên quan xứng đáng để chúng ta nghiền ngẫm và tự rút những
bài học sống còn cho mình.
Vụ đầu tiên là
cái chết của trùm lừa đảo kiểu Ponzi lớn nhất mọi thời đại Bernie Madoff ở Mỹ
mà đến khi chết ở tuổi 82 trong lúc chịu bản án 150 năm tù từ năm 2008 thì nhiều
người vẫn tiếp tục lôi ông này ra để mổ xẻ các thủ đoạn đã sử dụng để lừa bao
người với tổng thiệt hại được cho là tới 65 tỷ đô la Mỹ.
Vụ thứ hai xảy ra
ở Singapore với bị cáo là thương nhân Ng Yu Zhi, 33 tuổi, bị buộc tội lừa đảo
trong bốn vụ việc gọi vốn từ các nhà đầu tư lên đến ít nhất một tỷ SGD (740 triệu
USD) để đầu tư vào các thương vụ kinh doanh hàng hóa nhưng thực tế thì không có
thương vụ nào cả.
Thông thường, các
kẻ lừa đảo dụ dỗ bị hại thành công bằng thủ đoạn chào mời lợi nhuận cực kỳ hấp
dẫn mà ít nơi nào khác có được. Điều này được kiểm chứng trong trường hợp của
Ng Yu Zhi, 33 tuổi. Anh ta khoe rằng tỷ suất lợi nhuận trung bình hàng quý của các
khoản đầu tư của anh ta lên đến 15% - mức mà chỉ có các công ty quản lý quỹ
hàng đầu thế giới mới có thể kiếm được. Như vậy, có thể nói khách hàng của Ng
là những cá nhân/tổ chức theo đuổi lợi nhuận cao.
Madoff thì không
dụ con mồi bằng lợi nhuận cao ngất ngưởng đến mức khó tin như của Ng. Thay vào
đó, ông ta “đều như vắt tranh” cộng cho khác hàng một khoản lãi gộp khiêm tốn
hơn, ở quanh mức 10%/năm, bất kể thị trường trồi sụp như thế nào từ năm này qua
năm khác. Với lợi nhuận khiêm tốn hơn, nhưng vẫn đủ cao và hấp dẫn này, khách
hàng của Madoff là những người ưa “ăn chắc mặc bền” hơn.
Như vậy, nếu xét
theo tiêu chí “bả lợi nhuận” từ hai vụ trên, điều có thể rút ra ở đây chỉ là, lừa
đảo cũng có... phân khúc khách hàng! Nói cách khác, kẻ lừa đảo tài chính không
chỉ là những người “nổ” về khả năng đem lại lợi nhuận như mơ cho khách mà còn lắm
kẻ cũng rất “chừng mực” – nhưng tất nhiên vẫn phải hứa hẹn đem lại lợi nhuận
cao hơn so với các kênh đầu tư an toàn thông thường (ví dụ, gửi tiết kiệm, mua
trái phiếu Chính phủ) nếu muốn... lừa thành công!
Vì điều đúc rút ở
trên là rộng quá, nên cần có thêm tiêu chí khác để nhận dạng kẻ lừa đảo. Còn nhớ
có dạo báo chí đăng mấy cái phóng sự về chuyện một số người mời chào đầu tư kiểu
“làm giàu không khó” mà trang phục thì rẻ tiền, ngồi quán để tiếp thị mấy tiếng
đồng hồ mà đến cốc nước cũng không dám gọi. Vậy là có ngay một tiêu chí khác để
phân biệt đen trắng. Đó chính là sự thành đạt của “chủ đầu tư”, hay nói kiểu
“người có lý luận” là, đến làm giàu cho mình còn không xong mà đòi bầy đặt tư vấn
làm giàu cho người khác!
Nhưng trong hai vụ
việc trên, cả hai nhân vật chính đều là những người rất thành đạt về mặt tài
chính, thể hiện ở bất động sản cao cấp, siêu xe dăm triệu USD, du thuyền nhiều
triệu USD... Tương tự vậy là tiêu chí thành đạt xã hội. Ng tuy chỉ có chức danh
là chủ tịch một công ty ít ai biết đến nhưng Madoff dù sao cũng đã từng làm Chủ
tịch sàn giao dịch Nasdaq của Mỹ.
Vậy thì, nếu xét
về mức độ giàu có, thành đạt và vai vế trong xã hội, kẻ lừa đảo có thể là... bất
cứ ai!
Tiếp tục tìm kiếm
các tiêu chí khác thì thấy hai nhân vật chính trên có điểm chung là ưa làm từ
thiện hoặc có chân trong các tổ chức từ thiện. Làm từ thiện thường sẽ tạo được
cảm giác tốt từ người khác về bản thân. Madoff, người thực hành đạo Do thái
Chính thống, là Chủ tịch Hội đồng Ủy trị của Đại học Yeshiva, một trong những tổ
chức trung tâm của cộng đồng Do thái Chính thống ở Mỹ, tiếp nhận các khoản tiền
hiến tặng, đóng góp từ thiện cho cộng đồng. Còn Ng thì cũng chăm làm từ thiện ở
Singapore. Mới tháng 8/2020, một trường đại học về dược ở Singapore còn ca ngợi
Ng vì đóng góp của anh ta cho nỗ lực gây quỹ.
Nhưng hiển nhiên
là không thể từ điểm chung làm từ thiện của Ng và Madoff mà suy ra rằng những
người làm từ thiện sẽ lừa đảo tài chính. Có chăng chỉ là, một lần nữa, kẻ lừa đảo
có thể là bất cứ ai, giàu hay nghèo, sang hay hèn, làm từ thiện hay không.
Tiếp theo, một
trong những yếu tố quyết định giúp cho Madoff lừa đảo nhiều người trong nhiều
năm, và còn có khả năng tiếp tục lừa đảo lâu hơn nữa nếu khủng hoảng tài chính
không nổ ra năm 2008, là việc để cho nhà đầu tư vào quỹ của Madoff muốn rút tiền
ra lúc nào cũng được, nhờ đó “khắc phục” được một trong những điểm yếu làm cho
các dự án lừa đảo dễ bị lộ là gửi tiền vào thì dễ nhưng không rút ra được.
Với trường hợp của
Ng thì không rõ Ng có để cho khách rút tiền ra khi muốn hay không, ngoài một
chi tiết đăng tải trên báo chí là có vị khách hàng chưa bao giờ rút tiền khỏi
quỹ của Ng vì tin rằng quỹ này đang đem lại mức lợi nhuận cao và bền vững (có
thể Ng đã trả lãi cao định kỳ).
Như vậy, nếu căn
cứ vào chuyện có rút tiền được hay không để phán định đâu là kẻ lừa đảo thì
cũng... không xong! Bởi kẻ lừa đảo cao tay sẽ để bạn tiếp tục rút tiền chừng
nào mà chúng vẫn còn “gọi vốn” được từ những “nhà đầu tư” mới. Nói cách khác,
tiêu chí có rút tiền được hay không chỉ giúp ta biết được nhanh hay lâu ai là kẻ
lừa đảo cao tay mà thôi. Hơn nữa, đợi đến lúc ta bỏ tiền vào rồi mới có khả
năng biết được có bị lừa hay không thì e là đã quá muộn, nên tiêu chí này xem
ra cũng không mấy hữu ích.
Lại nghe có người
bày cách phân biệt các dự án đa cấp – tức chẳng đầu tư vào đâu cả, như trong
trường hợp của Ng với toàn dự án kinh doanh nói miệng – với các dự án đầu tư thật
là xem các tài liệu, chứng từ đầu tư. Nếu vậy thì những kẻ như Madoff sẽ cười hả
hê vì ông ta đã chuẩn bị đầy đủ và kỹ lưỡng những chứng từ cần thiết như thật,
chẳng hạn danh mục đầu tư và báo cáo thu nhập. Đến độ chỉ có một số rất ít người
hoài nghi vào công ty của Madoff bởi nó mang lại kết quả kinh doanh tốt đến mức
không thể tin được, nhưng họ lại suy luận theo hướng Madoff đang có các giao dịch
rửa tiền hoặc nội gián mà không mảy may biết/nghĩ rằng thực ra Madoff chẳng đầu
tư vào đâu hết.
Báo chí cũng đăng
tải chuyện một số tổ chức tài chính đã cảnh giác, từ chối làm ăn với Madoff khi
ông ta tìm đến để mời gọi vốn. Họ dùng các câu hỏi cơ bản kiểu như, ai là công
ty luật của/đại diện cho ông (công ty 2 người à?); ai là công ty kế toán của
ông (công ty hai người à?); tài sản đang được giữ ở đâu (ông giữ hay bên thứ ba
độc lập nắm giữ?) để nhanh chóng “đọc vị” Madoff.
Đúng là trả lời
được những câu này trước các con mắt nhà nghề thì dù kẻ cao tay hơn Madoff
cũng... bó tay. Bởi thực sự thì các số liệu của Madoff được kiểm toán bởi một
công ty kiểm toán chỉ có ba nhân viên!
Nhưng đó là với
con mắt nhà nghề, và là các tổ chức “tay to” nhiều tiền mà Madoff rất cần. Chứ
còn đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, không chuyên, là những người thậm chí cần và cảm
thấy may mắn khi ông ta chấp nhận cho mình được góp vốn, thì không có “cửa” để hỏi,
và có hỏi cũng chẳng để làm gì.
Tóm lại, không phải ngẫu nhiên mà những kẻ lừa đảo như Ng hay Madoff sẽ tiếp tục còn xuất hiện và nhiều người sẽ tiếp tục thành nạn nhân của chúng, bất chấp các loại bài học và kinh nghiệm đau thương được đúc rút. Để giảm thiểu cơ hội bị biến thành nạn nhân thì hoặc ta phải chấp nhận không mạo hiểm đầu tư, đặc biệt là ủy thác tiền của mình một cách dễ dãi cho ai/tổ chức nào đó (nhất là các tổ chức mà hoạt động của chúng không được kiểm soát bởi pháp luật). Hoặc phải nâng cao trình độ nhà nghề để nếu có cơ hội “được” đối thoại với các chủ dự án đầu tư thì còn có thể thấy được một số điểm “gợn” trong các dự án này mà cảnh giác, rút lui kịp thời.
No comments:
Post a Comment