Tối nay, tớ đọc được cái tin báo CPI của Hà Nội
tháng 4 này đã bị âm và chắc chắn rằng CPI của cả nước sẽ nhỏ hơn 0.1% mà giật
cả mình. Chắc chắn rồi thì từ ngày mai sẽ có một loạt ý kiến gay gắt hơn nữa
đòi hỏi chính phủ phải giảm lãi suất, tăng cung tiền, kích cầu hết cỡ để cứu
cái này, cái kia. Ôn cố tri tân, tới nhớ lại bài dưới đây, viết vào ngày 25/3/2009
(sau ngày công bố CPI của cả nước ở mức âm), đăng trên tờ Đại biểu Nhân dân, và
post lên đây để độc giả tiện so sánh sự tương đồng giữa hai thời kỳ và kết quả
của những dự đoán trong bài, từ đó liên hệ đến triển vọng lạm phát trong nửa cuối
năm nay và đầu năm sau. Tớ thực sự hy vọng rằng lần này tình hình sẽ không diễn
ra giống như những tiên đoán hồi năm 2009, không thì khốn khổ cho Việt Nam lắm
lắm.
Không thể chủ quan với nguy cơ lạm phát
trở lại
Chỉ số giá cả tiêu dùng tháng 3 đã giảm
lại về mức âm sau 2 tháng tăng, đặc biệt trong tháng 2. Điều này đã dẫn đến những
kiến nghị tích cực kích cầu, rót vốn hơn nữa cho nền kinh tế mà không sợ lạm
phát quay trở lại.
Những kiến nghị này thường dựa trên
lập luận rằng giá cả giảm là do sức cầu trong nước yếu và một phần là do ảnh hưởng
của sụt giảm giá cả trên thế giới. Trong xu thế nhu cầu nội địa tiếp tục suy yếu
(và không thấy đề cập gì đến xu hướng giá cả thế giới), một số người cho rằng nếu
và cần phải tích cực kích cầu mạnh và đẩy nhanh cho vay hơn nữa cũng sẽ không
làm cho giá cả tăng, mà dẫn chứng sống động là chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 này
đã sụt giảm.
Trong lập luận trên có một số điểm bất
ổn. Thứ nhất, chương trình cho vay kích cầu mới chỉ thực sự được khởi động
trong thời gian gần đây, và quy mô còn nhỏ so với kế hoạch. Hơn nữa, dư luận
cũng đã đề cập đến tình trạng đi vay để đảo nợ của doanh nghiệp, nên mặc dù dư
nợ cho vay mới có tăng lên, người ta còn phải kể đến số dư nợ bị giảm do doanh
nghiệp trả lại nợ cũ. Bù trừ qua lại thì tổng dư nợ thực trong nền kinh tế có
thể không tăng mạnh như người ta tưởng, và do đó tác động lên lạm phát từ nguồn
này có thể là chưa “lộ mặt”, chưa rõ nét. Tình hình có thể sẽ khác đi nhiều sau
một vài tháng hoặc thậm chí cả hàng năm nữa khi tình trạng đảo nợ chấm dứt và
các doanh nghiệp tích cực vay vốn mới để đổ vào sản xuất, đầu tư do lãi suất tiếp
tục được hạ thấp xuống hoặc doanh nghiệp tiếp tục được hỗ trợ về lãi suất.
Thứ hai, tuy rằng giá cả thế giới sụt
giảm làm cho giá cả hàng nhập khẩu cũng suy giảm, làm giảm áp lực lạm phát ở Việt
Nam, nhưng cần lưu ý rằng VND đang có xu hướng mất giá so với USD (mới đây nhất
là mở rộng biên độ lên 5%) và do đó hàng nhập khẩu tính theo VND không nhất thiết
giảm hoặc giảm mạnh như xu hướng giá cả quốc tế cho thấy. Một minh chứng rõ
ràng rằng một số mặt hàng tiêu dùng như sữa tiếp tục xu hướng tăng, mặc dù đúng
là giá sữa bột bằng USD đã giảm nhiều so với trước đây.
Hơn nữa, giá cả thế giới đã giảm mạnh trong thời gian qua nhưng không có gì
đảm bảo rằng chúng sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. Giá cả nhiều hàng hóa
sẽ ổn định, tuy ở mức thấp, vì nhiều trong số chúng đã tiệm cận hoặc thậm chí
thấp hơn cả giá thành sản xuất, hoặc giả nhà sản xuất đã thi nhau cắt giảm sản
lượng để duy trì biên độ lợi nhuận (như sắt thép, dầu mỏ). Trong bối cảnh này,
dự đoán giá cả thế giới tiếp tục suy giảm là một sự đánh cược mang tính cờ bạc
hơn là xuất phát từ cơ sở kinh tế.
Thứ ba, tuy tăng trưởng GDP đã chậm lại rõ rệt và tương ứng với điều này là
suy giảm thu nhập của dân cư và doanh nghiệp. Nhưng cũng cần lưu ý rằng cho dù
GDP có tăng trưởng với tốc độ nhanh như trong năm 2007 và 2008 thì tốc độ tăng
trưởng cũng chỉ là 8%-8,4%/năm. Với tốc độ tăng dân số trên 2%/năm thì dù với tốc
độ tăng trưởng GDP như vậy thu nhập bình quân đầu người và, do đó, mức chi tiêu
khả dụng, cũng chỉ tăng khoảng trên dưới 6%/năm là nhiều. Như vậy, khó có thể
nói mức tăng thu nhập là một yếu tố quan trọng trong việc châm ngòi cho lạm
phát ở Việt Nam. Điểm lại diễn biến lạm phát trong mấy năm qua, đặc biệt năm
2008 có thể thấy rõ rằng cung tiền, với tốc độ tăng đến gần 50%/năm mới là “thủ
phạm” chính gây lạm phát. Với logic này, nay mức chi tiêu khả dụng, hay nói
cách khác, cầu nội địa có suy giảm một vài điểm phần trăm (chứ cũng không về mức
0) thì cũng chỉ làm bớt đi một chút áp lực lạm phát ở Việt Nam.
Thứ tư, một lý do quan trọng trong việc giảm nhu cầu tiêu dùng nội địa
không phải đến từ giảm thu nhập dân cư mà là tâm lý “tích cốc phòng cơ”, khi
người dân tiên liệu những khó khăn trước mắt nên cắt giảm chi tiêu và đầu tư
vào những tài sản sinh lãi và bảo toàn được giá trị. Điều này cũng góp phần làm
giảm giá cả tiêu dùng ở Việt Nam trong thời gian qua. Nhưng xu hướng này sẽ đảo
ngược nhanh chóng khi tình hình được cải thiện, hoặc triển vọng kinh tế trở nên
sáng sủa hơn, đi đôi với nó là gia tăng áp lực lạm phát trong lúc năng lực cung
chưa kịp phục hồi để đáp ứng. Liên quan đến điểm này, cần lưu ý rằng người Việt
Nam được đánh giá là có lòng tin tiêu dùng lớn nhất ở khu vực trong năm 2008.
Nói tóm lại, giá cả trong tháng 3 đã giảm nhưng cần nhìn nhận và diễn giải
hiện tượng này một cách thận trọng và sáng suốt hơn. Điều này có thể là do giá
cả thế giới đã giảm trong thời gian qua, tâm lý người tiêu dùng tiếp tục bi
quan, còn cung tiền thì chưa tăng mạnh. Tuy nhiên, như đã phân tích, những xu
hướng trên hoàn toàn có thể đảo ngược trong thời gian ngắn tới đây, và do vậy,
việc giảm giá tiêu dùng trong tháng 3 cũng chỉ nên coi là một hiện tượng có
tính nhất thời, và điều đáng lo ngại hơn đang chờ đợi chúng ta ở phía trước
chính là lạm phát.
No comments:
Post a Comment