Nhân chuyện về
tái cơ cấu kinh tế bao gồm tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đang được đào xới lại,
tớ nhớ ra bài này, đăng trên Đại biểu Nhân dân vào tháng 2/2009 thì phải. Post
lại cho mọi người đọc cho vui.
--------------------------------------------------------------Quốc hội đang chuẩn bị các hoạt động giám sát các tập đoàn kinh tế nhà nước. Đây có lẽ là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố. Trong số đó có thể là sự liên quan và dấn thân quá mức của một số tổng công ty và tập đoàn kinh tế vào các ngành từng một thời được coi là gà đẻ trứng vàng như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm. Khi các thị trường này suy sụp thì mới làm hé mở những khoản đầu tư thua lỗ khổng lồ, rốt cuộc lại báo hại ngân sách nhà nước vốn đang thâm thủng nặng nề. Trong khi đó thì những lĩnh vực kinh doanh chính của họ xem ra lại bị bỏ lơi, ít được đầu, tư quan tâm. Hơn nữa, đã có nhiều người chỉ trích rằng đầu tư tràn lan ra ngoài ngành chính là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cao trong năm 2008. Dưới sức ép của dư luận, dễ hiểu hoạt động của các tập đoàn sẽ được người ta “chăm sóc” kỹ lưỡng hơn.
Tuy vậy, nếu nhìn nhận vấn đề từ gốc
rễ của nó thì hành động giám sát của Quốc hội nên có lẽ không nên, không cần
thiết, và nếu có thì phải ở một khía cạnh khác.
Trước
tiên, cần hiểu tại sao các doanh nghiệp nhà nước lại dốc sức lao vào đầu tư
trái ngành như vậy. Lý do không có gì khác ngoài sự bùng nổ các thị trường tài
chính tại Việt Nam do tăng trưởng kinh tế quá nóng cộng với sự hưng phấn và lạc
quan quá mức của rất nhiều người đã tạo ra bong bóng thịnh vượng ảo, lớn lên từng
ngày trong suốt cả một thời gian tính bằng năm. Các cơ hội kiếm tiền quá dễ dãi
có được từ việc mở ngân hàng, tài chính, chứng khoán, và bảo hiểm như trong thời
gian qua như một khối nam châm khổng lồ lôi cuốn sự tham gia của không chỉ các
doanh nghiệp nhà nước mà còn cả các doanh nghiệp dân doanh và FDI.
Các doanh nghiệp nhà nước dấn thân vào những ngành này còn vì trong tay họ
có rất nhiều tiền, đi vay với giá ưu đãi cũng có, vay với sự bảo lãnh của Chính
phủ cũng có, hoặc do ngân sách nhà nước rót dưới hình thức này hay hình thức
khác. Đã có chuyện rằng tại một tập đoàn nổi đình nổi đám nọ, đã có lúc nhân
viên phải chạy rốt ráo để hỏi xem nên đầu tư vào đâu khi bị sức ép giải ngân một
cục vốn vay rất lớn mà chưa biết làm gì. Cách nhanh gọn và mang lại hiệu quả lớn
nhất là ném tiền vào các thị trường tài chính đang bùng nổ.
Hiểu được gốc rễ của vấn đề đầu tư ra ngoài ngành rồi thì ta bàn đến việc
có nên giám sát và hạn chế các tập đoàn này đầu tư trái ngành không. Việc này
tương đương với việc bàn xem gốc rễ của “nạn” này có còn tồn tại nữa không.
Về lý do thứ nhất, ma lực lôi kéo từ lợi nhuận kiếm được quá dễ dàng và quá
lớn từ những thị trường này có còn không? Câu trả lời hẳn nhiên là không. Thị
trường đã qua rồi thời cực thịnh mà để phục hồi lại có lẽ cần cả một thời gian
dài hàng nhiều năm với những điều kiện mà xem chừng chẳng bao giờ có thể lặp lại.
Trong hoàn cảnh các khoản đầu tư trái ngành đang là “của nợ” của không ít doanh
nghiệp trong cơn hoảng này này thật khó hình dung các doanh nghiệp nhà nước vẫn
còn “gan” để tiếp tục dấn thân vào những ngành đó nữa.
Bênh cạnh đó, nếu quản trị tài chính của các doanh nghiệp nhà nước nói
chung được xiết chặt để họ không còn tình trạng thừa vốn không biết làm gì hoặc
không còn nguồn vốn với giá rẻ mạt nữa, lúc đó cho dù cơ hội kiếm tiền dễ dãi một
lần nữa có quay trở lại thị trường thì các doanh nghiệp nhà nước cũng như các tập
đoàn cũng đành bó tay thúc thủ. Do đó, thắt chặt nguồn vốn rót từ ngân sách nhà
nước hay các nguồn vốn ưu đãi khác cho các doanh nghiệp nhà nước cũng là một biện
pháp gián tiếp ngăn chặn nạn đầu tư trái ngành một cách hữu hiệu.
Như vậy, xét đến điều kiện khách quan là thị trường đang chống lại ý muốn mở
rộng đầu tư ngoài ngành của nhiều doanh nghiệp nhà nước, cũng như điều kiện chủ
quan là sự thắt chặt nguồn cung vốn ưu đãi từ nhà nước thì Chính phủ và Quốc hội
không cần phải trực tiếp can thiệp bằng biện pháp hành chính để ngăn chặn tệ đầu
tư trái ngành như cung cách vẫn đang và sẽ tiến hành.
Ngược lại, nếu không thắt chặt nguồn vốn ưu đãi này thì cho dù các cơ quan
chức năng và Quốc hội có thắt chặt việc giám sát đến đâu chăng nữa, các doanh
nghiệp nhà nước vẫn có thể trích một phần trong nguồn vốn nhận được (hiện tại
là 30% theo quy định mới) để đầu tư trái ngành khi có (cho rằng) có cơ hội đầu
tư kiếm lãi (có thể lớn hơn lãi đầu tư từ ngành chính của họ).
Tóm lại, bản chất của vấn đề đã trở nên rõ ràng và cho thấy được Chính phủ
và Quốc hội nên tập trung vào điều gì thay vì trực tiếp giám sát các hoạt động
đầu tư của doanh nghiệp nhà nước. Để thắt chặt nguồn
cung vốn ưu đãi cho các doanh nghiệp này, tốt nhất để doanh nghiệp nhà nước tự
chịu trách nhiệm trong việc cung ứng vốn dựa trên hiệu quả sản xuất kinh doanh
của họ. Chính phủ phải luôn sẵn sàng coi các doanh nghiệp nhà nước cũng bình đẳng
như các doanh nghiệp khác, tức là lời ăn lỗ chịu, và sẵn sàng cho họ giải thể nếu
thua lỗ quá mức. Nhà nước không nên là con bò sữa để các doanh nghiệp nhà nước
bấu víu lấy nữa.
Tất nhiên,
vì họ là doanh nghiệp nhà nước, đôi khi phải phục tùng những mệnh lệnh can thiệp
của Chính phủ vì một lý do nào đó (chẳng hạn tham gia bình ổn thị trường hàng
hóa đang nóng sốt) nên không thể kỳ vọng họ sẽ vừa phải sản xuất kinh doanh có
lãi lại vừa phải làm theo yêu cầu của Chính phủ. Giải pháp tốt nhất là hãy tách
bạch các chức năng này và để doanh nghiệp nhà nước chỉ tập trung vào sản xuất
kinh doanh theo các điều kiện thị trường. Chức năng can thiệp vào thị trường
thì Chính phủ trực tiếp tiến hành, dựa trên những công cụ điều chỉnh kinh tế và
hành chính.
Cũng có thể
việc tách bạch này là việc không dễ làm và Chính phủ bằng cách này hay cách
khác vẫn phải hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhà nước trong một số hoàn cảnh. Khi
đó, việc Chính phủ nên làm là chỉ rót vốn đúng mục đích, tức là chỉ cho những dự
án thuộc ngành nghề cốt lõi của doanh nghiệp, và việc này trên nguyên tắc hoàn
toàn có thể thực hiện được, giám sát được, với hiệu quả chấp nhận được. Song
song với đó là gắn trách nhiệm sản xuất và kinh doanh dựa trên nguồn vốn ưu đãi
này phải có lãi và phải nộp lại cho ngân sách cả vốn và một phần lợi nhuận theo
đúng các chế độ nghĩa vụ giao nộp tài chính.
Một khi đã
thực hiện được như vậy thì hãy “thả lỏng” cho các doanh nghiệp nhà nước tự chủ
trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Nếu muốn, họ vẫn có thể đầu tư
trái ngành, nhưng là bằng nguồn vốn tự huy động, tự có (trích từ lợi nhuận được
giữ lại) và không được phép động chạm đến nguồn vốn phục vụ cho ngành nghề cốt
lõi (về nguyên tắc, có những công cụ và chế tài để ngăn chặn tình trạng này xảy
ra nếu cố tình vi phạm).
No comments:
Post a Comment