Trong blog này, tớ có bài về chuyện các đồng chí phóng viên đưa lại tin hoặc tự xào nấu tin gốc từ Bộ Tài chính về chuyện nợ công của Việt Nam đang tăng vòn vọt, nghe phát hãi. Vấn đề đáng nói không phải là kỹ năng viết lách, mặc dù quả thật nhiều đồng chí mang tiếng là phóng viên, được đào tạo bài bản về nghề viết mà kỹ năng viết ấm a ấm ớ. Điều tớ muốn nói đến là chuyện phóng viên/người viết đó dường như chẳng có tí khái niệm gì về những cái mình đang viết mà vẫn cứ vô tư viết, vô tư bàn nghe cứ như thật, viết khơi khơi, nhận định khơi khơi chẳng cần dẫn chứng, căn cứ, dùng toàn những từ thậm xưng, đại ngôn nhằm tạo hiệu ứng tối đa lôi kéo tình cảm của người đọc, và rồi kết luận cũng nghe như thật. Mà toàn chuyện/kết luận to tát, chết người cả.
Hôm trước, nhân ngồi
“duyệt” báo, tớ thấy có bài “DN mắc kẹt vì chính sách?” trên VEF, có thể coi là
điển hình của trường hợp nói trên. Và còn nhiều bài tương tự về cùng chủ đề nữa
mà tớ chán chẳng muốn lôi ra nữa.
Cái ấm ớ đầu tiên đập
vào mắt người đọc bài trên là chuyện nhầm lẫn khái niệm. Hình như đồng chí tác
giả bài này coi tuốt các chính sách kinh tế vĩ mô là “chính sách công”. Tớ đoán
già đoán non rằng đồng chí này nghĩ rằng đã là chính sách của Chính phủ thì
đương nhiên phải gọi/có thể là “công” được vì Chính phủ là của công, chứ chẳng
phải của riêng ai mà.
Cái ấm ớ thứ hai,
chẳng hiểu đồng chí này dựa vào đâu mà nhận định như thật: “Các doanh nghiệp Việt Nam đa phần, hoặc tới 95-99%, là
doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc "siêu nhỏ" so với quy mô thế giới (trên
thế giới, doanh nghiệp có doanh số dưới 10 triệu USD được xem là nhỏ; dưới 100
triệu USD được xem là doanh nghiệp cỡ vừa; còn ở Việt Nam các doanh nghiệp có
doanh số siêu nhỏ cỡ vài trăm triệu đồng hay vài tỉ đồng là phần nhiều)”
Không
rõ đồng chí này có sang Campuchia hay châu Phi (cũng là thế giới đấy nhé) để
xem doanh nghiệp của họ có quy mô cỡ nào để mà so sánh. “Thế giới” của đồng chí
là thế giới nào thế không biết. Cái ấm ớ thứ ba là cái phán xét: “Một trong những điểm bất thường lớn nhất của nền kinh tế ta hiện nay là "lạm phát cao" và "lãi suất cho vay rất cao" như suốt từ năm 2008 đến nay. Như vậy các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) Việt Nam đã trải qua 5 năm chịu đựng mức lãi suất vay ngân hàng cao khoảng 20%/năm - mà so sánh trên thế giới quả là một hiện tượng kinh tế xã hội rất đặc biệt”.
Tớ thì
không gọi cái hiện tượng trên (lãi suất cho vay cao 20%/năm) là đặc biệt vì đơn
giản lạm phát của Việt Nam bằng hoặc trên mức đó, thì sao mà lãi suất thấp được?
Chỉ có những người như đồng chí mới đi làm cái việc ấm ớ là đi so sánh lãi suất
của Việt Nam với lãi suất của mấy nước trong khu vực và “thế giới” rồi kết luận
một cách xanh rờn và rùng rợn rằng lãi suất Việt Nam cao nhất thế giới và suy
diễn một cách giễu cợt rằng doanh nghiệp Việt Nam giỏi nhất thế giới vì cao thế
mà vẫn họat động (cầm cự) được và thậm chí còn có lãi!
Cái ấm ớ
thứ tư là cái kết luận chắc như đinh đóng cột: “Tất cả các doanh nghiệp hoạt động
bằng nguồn vốn vay ngắn hạn hay dài hạn từ năm 2008 đến nay đều có nguy cơ đình
trệ hoặc phá sản”. Lưu ý các từ “tất cả” và “đều”. Quá kinh! Sao mà đồng chí giỏi thế, biết được tường tận từng doanh nghiệp một trong tất cả các doanh nghiệp ra đời và đã tồn tại từ năm 2008 (vì doanh nghiệp nào mà chẳng phải vay ngắn hạn và/hoặc dài hạn?) và phát hiện ra rằng tất cả chúng đều có nguy cơ đình trệ hoặc phá sản? Đồng chí có trong tay báo cáo tài chính của toàn bộ doanh nghiệp trong cả nước do Tổng cục Thuế (may ra có được) không?
Cái ấm ớ thứ năm, đồng chí tác giả viết: “Do vậy, nếu không có ưu thế kinh doanh về sản phẩm dịch vụ đặc biệt nào, doanh nghiệp phải có 2-4 đồng vốn mới có được 1 đồng doanh số. Nếu doanh nghiệp chỉ có 1 đồng vốn tự có thì phải đi vay thêm hơn 1 tới 3 đồng từ ngân hàng, tức phần nợ vay chiếm tới 100% và lên tới hơn 300% so với vốn tự có của doanh nghiệp. Trong tình hình lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp (ROE), đặc biệt là các DNVVN thường dưới 20%/năm, thì doanh nghiệp cầm chắc thua lỗ khi vòng quay vốn chậm lại, tình trạng nợ đọng, hàng tồn kho cao, thiếu nợ dây chuyền như hiện nay”.
Như
trong thí dụ của đồng chí, ROE thường dưới 20%, thì cứ cho là 19%, thậm chí 15%
đi. Như thế thì doanh nghiệp vẫn có lãi chứ (vì ROE>0), và thậm chí là mức
lãi này còn cao hơn cả mức lãi nếu chủ doanh nghiệp thay vì bỏ ra làm vốn sản
xuất lại đem gửi vào ngân hàng để hưởng lãi suất bị khống chế ở mức trần 14% và
nay chỉ còn 13%/năm. Sao lại bảo là doanh nghiệp Việt Nam tất cả đều thua lỗ?
Đến cái
ấm ớ thứ sáu kịch tính hơn, đồng chí tác giả viết: “Vậy chính sách công đưa mức
lãi suất ngân hàng cho vay doanh nghiệp lên trên 20%/năm và nhìn thấy trước là
DNVVN sẽ gặp khó khăn, thua lỗ kéo dài, dẫn đến phá sản cầm chắc là do đâu? Và
tại sao các nhà làm chính sách công lại ra một quyết sách mà có thể nhìn thấy
trước được hệ quả như vậy trong một thời gian dài?”Như tớ nói ở trên, đồng chí này coi chính sách tiền tệ (là cái mà theo đồng chí “đưa mức lãi suất ngân hàng cho vay doanh nghiệp”) cũng là chính sách công. Rồi cơ quan điều hành chính sách tiền tệ thì biến thành cơ quan điều hành chính sách công (như dưới đây). Thật hết biết!
Rồi nữa, đồng chí hỏi một cách rất ... ấm ức là tại sao “chính sách công” lại cố tình đẩy lãi suất lên như vậy, gây khổ đau như vậy, cứ như thể cái bọn làm “chính sách công” toàn là bọn dã man, chuyên ăn thịt người hết cả. Tớ xin miễn phải giải thích cho đồng chí rằng cái bọn này nó phải làm vậy vì ... buộc phải vậy, phải “ác” như vậy!
Cái ấm ớ thứ bảy, đồng chí tự hỏi và tự trả lời về lạm phát: “Câu trả lời của các nhà điều hành chính sách công thường là do phải kiềm chế "lạm phát cao"? Nhưng tại sao lại có "lạm phát cao"? Câu trả lời của các nhà kinh tế vĩ mô trên khắp thế giới thường là do "chi tiêu công" cao không hợp lý, bội chi ngân sách so với thực thể của một nền kinh tế quốc gia.
Tớ hốt quá, vì từ trước đến nay, tớ chỉ nghe thấy, đọc được một câu đúc kết là “lạm phát luôn là hiện tượng tiền tệ”, tức luôn do chính sách tiền tệ gây ra. Chứ tớ chưa nghe thấy, đọc được “câu trả lời của các nhà kinh tế vĩ mô trên khắp thế giới thường là do “chi tiêu công” cao không hợp lý” như trên cả. Cái bọn tư bản Mỹ, Nhật có bội chi ngân sách (tính theo GDP) cao hơn nhiều so với đồng chí Việt Nam vốn ưu việt hơn vì có kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Ấy thế mà chẳng hiểu tại sao chúng nó lại có lạm phát thấp (thậm chí là thiểu phát) thế nhỉ? Vấn đề này quả là khó hiểu đối với các “nhà kinh tế vĩ mô trên khắp thế giới” trên!
Từ cái ấm ớ này, đồng chí tác giả nhẩy một phát sang phán định chắc cú (mà tớ coi là cái ấm ớ thứ tám): “Do vậy, nếu chỉ điều chỉnh chính sách tiền tệ với "lãi suất cao" hay thắt chặt tín dụng tiền tệ thì rõ ràng không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết căn nguyên của căn bệnh "lạm phát cao". Ngược lại, đây rõ ràng là căn nguyên dẫn đến tình trạng doanh nghiệp gặp khó và phá sản tăng cao bất thường trong năm nay”.
Chưa đã, đồng chí thừa thắng xông lên, “phang” luôn cái bọn trí thức/chuyên gia ăn hại như sau: “Một số ý kiến của một số chuyên gia kinh tế, thường là các giảng viên đại học hoặc nhà điều hành ngân hàng, chủ ngân hàng, thường lại thiên về giải pháp thắt chặt tiền tệ. Vì những người này thường không trực tiếp sống và làm việc hay cảm nhận được nỗi thống khổ của doanh nghiệp do họ không trực tiếp làm doanh nghiệp hoặc có quyền lợi mâu thuẫn ngược lại (lãi suất cao thường có lợi cho người gửi tiền hơn là người vay tiền, hay doanh nghiệp vay tiền)”.
Tớ nghe đoạn này càng hốt, toát mồ hôi lạnh vì cứ như là đồng chí tác giả đang “phang” tớ! Trước khi “tắt đèn”, tớ vẫn cố vớt vát bằng cách “quăng” lại một câu hỏi cũng ấm ớ không kém cho đồng chí tác giả rằng, thế theo cái logic ấm ớ của đồng chí thì khi kêu gọi hạ lãi suất, hóa ra đồng chí muốn đổ cái thiệt hại sang cho người gửi tiền à? Hay cái bọn có tiền cho vay là bọn ăn không ngồi rồi chẳng làm gì mà cũng có lãi thì đáng cho chúng nó thiệt hại cho bõ, chết hết đi cho rồi?
Các đoạn tiếp theo có sự sử dụng lặp đi lặp lại cụm từ “chính sách công”, dùng cho mọi hoàn cảnh, từ hệ thống ngân hàng đến thuế má, giao thông vận tải, giáo dục, văn hóa thông tin, tài nguyên môi trường v.v... cho thấy cái tầm nhìn cực kỳ bao quát và khả năng khái quát hóa, “khắc nhập khắc xuất” hóa cao độ của đồng chí tác giả. Chính sách tiền tệ biến thành chính sách công, chính sách công biến thành chính sách tiền tệ, thành chính sách ...đủ thứ trong một đoạn văn không quá dài.
Cái ấm ớ thứ chín nằm ở đoạn văn gần cuối cùng, như sau: “Các việc liên quan đến chính sách công có liên quan đến quốc kế dân sinh, thu chi ngân sách quốc gia là những việc quốc gia đại sự, cần có các nghiên cứu luận chứng khả thi, các tư vấn đánh giá độc lập để hiểu rõ căn nguyên vấn đề, cần thiết phải có các "trưng cầu dân ý" hay Quốc hội biểu quyết đồng tình thì mới nên làm”.
Theo tinh thần của đồng chí tác giả, tớ nghĩ đồng chí khỏi phải nhọc công đề xuất những thứ rách việc như thế này. Chỉ trong một bài văn tả tình (cảnh) ngắn độ hơn 1000 chữ thế này mà đồng chí đã xuất sắc đưa ra, gói gọn được rất nhiều kết luận, nhận định chắc nịch mà chẳng cần phải lý luận lôi thôi vì đã có “các chuyên gia trên khắp thế giới” nói thế. Về chuyện lãi suất cao cũng vậy, thì cứ theo nhận định của đồng chí mà làm, tức là bắt cái bọn ra chính sách công phải hạ lãi suất xuống; nếu chúng nó không làm được thì bỏ tù, bãi nhiệm chúng nó đi là xong.
Cuối
cùng, (và là cái ấm ớ cuối cùng vì chẳng còn đoạn văn nào sau đó nữa), đồng chí
viết: “Điều này giúp chúng ta có cái nhìn thấu đáo về một hiện tượng kinh tế xã
hội đúng với bản chất của nó và giải pháp được đưa ra phần nào thỏa mãn nhu cầu
của đại đa số người dân khắp đất nước”.
Tớ vẫn
có thấy gì đâu? Chỉ có đồng chí thấy thấu đáo được về hiện tượng lãi suất cao
và bản chất là do cái bọn làm chính sách công cùng với cái chính sách công dã
man của chúng gây ra đấy chứ? Giải pháp của (đồng chí) đưa ra thỏa mã được nhu
cầu của các doanh nghiệp chứ có thỏa mãn cái bọn có tiền để gửi và cái bọn dân
đen tự dưng bị ảnh hưởng bởi chính sách hạ lãi suất (của đồng chí) ưu ái doanh
nghiệp làm lạm phát bùng lên đâu? Sao lại lôi cả “đại đa số người dân khắp đất nước” vào đây?Và bây giờ là lời khuyên chân tình của tớ cho các đồng chí phóng viên/tác giả thích viết nhưng chỉ có mỗi cái kỹ năng dùng đại ngôn, thậm xưng (giống tớ ở các đoạn văn trên), lý luận cắc cớ. Tốt nhất, các đồng chí hãy dùng lối văn tả chân, tả cảnh, tả người, có thế nào, thấy gì, nghe gì thì viết thế, đừng có phân tích với lý luận lôi thôi. Các đề tài có thể viết và nên viết chẳng hạn là thế này: Giá rau, thịt ở ngoài chợ hôm nay đã lên cao vì nghe đâu (có chuyên gia nói) NHNN đã thắt chặt chính sách tiền tệ nên làm cho nông dân phải vay với lãi suất cao, làm tăng chi phí mua phân bón và hạt/con giống nên phải tăng giá bán sản phẩm để bù đắp một phần, đảm bảo có lãi chút đỉnh v.v... Đại loại vậy, vừa có tí vi mô, lại vừa có tí vĩ mô cho tăng thêm phần hoành tráng là đủ khối dân đen ca ngợi là viết hay rồi.
Mặc dù đọc (vài lần) phần mở bài của "Doanh nghiệp mắc kẹt vì chính sách", em vẫn không hiểu người viết định nói cái gì; nhưng thiết nghĩ, anh nên có cả "lời khuyên" cho các biên tập viên nữa anh ạ.
ReplyDeleteMà khéo, nếu có ngày thất nghiệp, anh lại đi giảng dạy ở trường báo chí chứ chẳng chơi.
Chúc anh cuối tuần vui vẻ.
Em nói thế anh sướng quá! Phải hết sức tự mãn mà khoe với em rằng em là người thứ hai hẳn hoi nói thế đấy nhé! Về chuyện biên tập viên, anh thì chẳng dám có lời khuyên gì, phần vì là “múa rừu qua mắt thợ”, phần vì đôi lúc cũng nghĩ rằng họ buộc phải sử dụng, khuyến khích sử dụng những bài dù chất lượng ất ơ nhưng đáp ứng được tính cấp thiết cho mạch đề tài, hay chủ trương của báo.
ReplyDelete