(Bản trên báo có một số lỗi "do thằng đánh máy")
Chính sách tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã
có bước ngoặt hôm 12.8, khi cơ quan này tuyên bố nới biên độ biến động tỷ giá
từ +/-1% lên +/-2%. Động thái bất ngờ này diễn ra sau khi Trung Quốc tuyên bố
phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) 1,9% hôm 11.8 và đang làm tăng sức ép lên nền
kinh tế Việt Nam…
Có thể nói, việc nới biên độ biến động tỷ giá là một toan tính khôn
ngoan của NHNN khi không điều chỉnh tỷ giá liên ngân hàng như trong những lần
phá giá đồng Việt Nam (VNĐ) trước đây. Nếu lặp lại việc điều chỉnh tỷ giá liên
ngân hàng thì NHNN sẽ phá vỡ cam kết phá giá không quá 2% trong năm 2015 của
mình. Còn việc cho nới biên độ biến động thì không những cho phép tỷ giá VNĐ
tăng lên (VNĐ yếu đi, tương tự như việc tăng tỷ giá liên ngân hàng) mà còn cứu
vớt uy tín của NHNN vì trên danh nghĩa khi họ không phá giá mà chỉ cho phép tỷ
giá VNĐ biến động mạnh hơn mà thôi.
Thị trường lập tức có phản ứng mạnh với tuyên bố này. Tỷ giá VNĐ đã nhảy
chạm ngưỡng trần tỷ giá quy định (22,106 VNĐ/USD), phản ánh sự căng thẳng đã
dồn nén chặt trong tỷ giá bấy lâu nay. Câu hỏi được đặt ra là liệu tỷ giá còn
chịu áp lực tăng nữa không hay nói cách khác liệu VNĐ yếu đi nữa không?
NHNN chỉ nói chung chung là sẽ tiếp tục theo sát diễn biến của thị trường để có phản ứng thích hợp. Nhưng trên thực tế, áp lực này dường như đang tồn tại và ngày càng lớn lên. Bởi, Trung Quốc trong 3 ngày liên tiếp vừa qua đã tiến hành dồn dập phá giá 3 lần, mỗi lần từ 1,1% đến 1,9% - một động thái chưa từng có tiền lệ trong nhiều thập kỷ qua ở nước này. Các đợt phá giá không dừng lại ở Trung Quốc mà đã lan ra toàn cầu, khiến người ta phải nhắc đến một cách ngày càng xác quyết về một cuộc chiến phá giá tiền tệ trên phạm vi thế giới.
Nhưng cho dù các nước khác và cả Trung Quốc có tiến hành phá giá nữa hay không trong những ngày tới, tuần tới thì áp lực phá giá trên VNĐ đã trở nên quá lớn trong những ngày vừa qua, bên cạnh áp lực phá giá tích tụ từ năm trước được châm ngòi bởi khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ nâng lãi suất, đã kích hoạt cho làn sóng phá giá bản tệ trên thế giới từ giữa năm 2014. Trong bối cảnh này, việc NHNN chỉ cho phép VNĐ yếu đi thêm 1% nữa so với USD tỏ ra là không đủ độ, và tỷ giá VNĐ có khả năng lặp lại những gì đã từng xảy ra. Cụ thể, áp lực phá giá dồn nén cho chính sách tỷ giá cứng nhắc của NHNN, đến một mức nào đó gây thiệt hại lớn lên sản xuất và xuất khẩu, tăng nhập siêu, buộc NHNN phải phản ứng thụ động theo bằng cách nới lỏng tỷ giá một cách miễn cưỡng, nhỏ giọt, để rồi áp lực phá giá vẫn không được giải tỏa hết, vẫn còn đó, tích tụ và tăng lên cùng với những diễn biến bất lợi từ bên ngoài, dẫn đến những đợt phá giá (nhỏ giọt) mới.
Trong bối cảnh mới, trước ngưỡng cửa của cuộc chiến tranh tiền tệ toàn cầu, rõ ràng NHNN nên từ bỏ chính sách kiểm soát tỷ giá chặt chẽ với những tuyên bố định lượng cứng nhắc về mục tiêu tỷ giá như đã từng làm cho đến nay. Một chính sách tỷ giá linh hoạt, để ngỏ định hướng và mục tiêu, để thị trường quyết định nhiều hơn, giảm thiểu sự can thiệp của NHNN (vốn phải trả giá bằng hao hụt dự trữ ngoại hối không phải là nhiều nhặn gì), duy trì được tính cạnh tranh, hoặc chí ít không làm tổn hại quá lớn đến tính cạnh tranh của hàng hóa sản xuất tại Việt Nam… cần là một chính sách tỷ giá mới mà NHNN nên theo đuổi hiện nay. Nếu cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự nổ ra trong những ngày tới thì chính sách này sẽ làm VNĐ yếu đi hơn nữa theo chiều hướng phá giá của các nước khác, giúp NHNN giảm thiểu thiệt hại cho nền kinh tế. Nếu cuộc chiến tranh tiền tệ không xảy ra thì chính sách này cũng giúp cho NHNN tránh được những rủi ro không đáng có như cam kết không phá giá để rồi vẫn phải phá giá, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín.
Trên thực tế thì NHNN đã chấp nhận phá giá VNĐ hơn nữa, bất chấp cam kết trước đó. Nên nếu NHNN có chuyển sang theo đuổi một chính sách tỷ giá linh hoạt mới theo đòi hỏi của thị trường như phân tích ở trên, điều này cũng không còn làm cho thị trường chao đảo nữa và lòng tin vào NHNN cũng không vì thế mà suy giảm.
No comments:
Post a Comment