Những năm qua, tốc độ tăng trưởng
kinh tế luôn là mục tiêu được Chính phủ theo đuổi một cách ráo riết, cho dù có
thời điểm nó không được coi là mục tiêu được ưu tiên hàng đầu trong chính sách
phát triển. Để theo đuổi mục tiêu này trong bối cảnh các nguồn lực như vốn, kỹ
thuật và chất lượng nhân lực còn hạn hẹp thì nguồn lực cho tăng trưởng được dựa
chủ yếu vào nguồn vốn đến từ vay nợ và tín dụng ngân hàng. Hậu quả là vay nợ có
xu hướng tăng nhanh và tăng liên tục, làm giảm tính bền vững của chính sách tài
khóa, trong khi đó Ngân hàng Nhà nước (NHNN) luôn phải gắng chạy theo nhu cầu
vốn của nền kinh tế bằng cách nới lỏng, nới mạnh cung tiền, dẫn đến lạm phát
cao luôn trực chờ nổ ra bất cứ lúc nào.
Để ổn định kinh tế vĩ mô hay nói cách khác là giảm lạm phát, duy trì
tính bền vững của nợ công, giảm thâm hụt ngân sách… nhưng vẫn duy trì được đà
tăng trưởng mạnh, các nhà làm chính sách đã đưa ra một chủ trương mới là “phối
hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ”. Tuy vậy, chủ trương
này dường như mới chỉ dừng lại ở cái tên mà chưa thấy có một chỉ dẫn cụ thể thế
nào là “phối hợp chặt chẽ”.
Từ góc độ của một người quan sát, ta có thể “bắt bệnh” tình trạng kinh tế hiện nay là tăng trưởng kinh tế đã và đang dựa quá nhiều vào chính sách tiền tệ, đến mức mỗi khi Chính phủ thiếu hụt nguồn thu (tạm thời) thì người ta lại nhắm vào quỹ dự trữ và nguồn tiền in của NHNN. Và, việc Bộ Tài chính đang muốn vay/mượn 30.000 tỷ đồng từ NHNN mới đây là một ví dụ. Trên thực tế, việc NHNN in tiền cho ngân sách vay/mượn đã từng xảy ra và thậm chí được quy định trong một số luật, nên nếu Chính phủ và Bộ Tài chính không tuyên bố công khai về việc vay/mượn này thì cũng không mấy ai để ý hay phản đối.
Điều đáng nói là trong bối cảnh có chủ trương “phối hợp chặt chẽ” giữa chính sách tài khóa và tiền tệ như hiện nay, lẽ ra Chính phủ nói chung và Bộ Tài chính cũng như NHNN nói riêng phải thống nhất rằng, mặc dù luật hiện hành cho phép sự vay mượn như vậy nhưng vì phải cân nhắc đến những hậu quả tiêu cực của nó lên kinh tế vĩ mô (như tăng áp lực lạm phát) thì việc vay mượn này không nên tái diễn.
Thay vào đó, để đúng nghĩa là “phối hợp chặt chẽ”, về phía chính sách tài khóa, Chính phủ không chỉ phải dốc sức tận thu, tăng các loại thuế phí, mà còn phải dốc sức cắt giảm chi tiêu, đầu tư vào những dự án khủng mà không hoặc chưa thể chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội, chẳng hạn như những dự án xây dựng tượng đài trải khắp Bắc - Nam, cũng như những dự án xây bảo tàng, nhà hát, đài truyền hình… tổn phí hàng nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, cắt giảm chi thường xuyên (chiếm đến hơn 70% ngân sách) thông qua giảm biên chế cũng là một giải pháp phải cấp tốc cần thực hiện ngay và ráo riết nhưng tiếc là chưa được triển khai hữu hiệu trên thực tế.
Bởi vậy, “phối hợp chặt chẽ” ở đây không nên có nghĩa là do Chính phủ không thực hiện (ráo riết) được những biện pháp cắt giảm chi tiêu này, đồng thời lấy lý do là phát hành trái phiếu không đạt kế hoạch thì lập tức quay sang vay mượn NHNN một cách dễ dàng. Vay mượn NHNN luôn phải được coi là phương sách cuối cùng, trong những tình huống ngặt nghèo, chứ không được phép coi là chuyện hết sức bình thường.
Về phía NHNN, “phối hợp chặt chẽ” có nghĩa là duy trì một môi trường kinh tế vĩ mô lành mạnh với lạm phát và lãi suất thấp để Chính phủ nếu có muốn vay mượn thông qua kênh phát hành trái phiếu thì có thể vay mượn không quá khó khăn... Tuy nhiên, với cam kết duy trì ổn định tỷ giá, NHNN dường như lại đang tự trói tay, dẫn đến triệt tiêu không gian chính sách tiền tệ của mình để tăng cung tiền và thanh khoản cho nền kinh tế nhằm hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đang ở mức thấp kỷ lục.
Tóm lại, để đạt được sự phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay đòi hỏi phải có những biện pháp hữu hiệu và cụ thể nhằm cắt giảm chi tiêu từ ngân sách, đồng thời có một chính sách tiền tệ và tỷ giá linh hoạt hơn từ NHNN nhằm hạ lãi suất.
No comments:
Post a Comment