Trước
áp lực dồn nén ngày càng lớn đến từ không chỉ khả năng FED nâng lãi suất USD
trong năm nay mà còn 3 đợt phá giá liên tiếp của nhân dân tệ ở mức độ lớn chưa
từng thấy trong 2 thập kỷ qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức từ bỏ
chính sách neo tỷ giá VND của mình vào USD và đã nới biên độ biến động xung
quanh tỷ giá bình quân liên ngân hàng tuần trước thêm 1 điểm %, một động thái
mà tôi đã từng phải ca ngợi là dũng cảm với đúng lý do, đúng thời điểm.
Tuy nhiên, đợt
điều chỉnh tuần trước dường như là quá nhỏ, được biểu hiện ra ở mức tỷ giá bán
ra trong hệ thống ngân hàng luôn ở mức kịch trần ( 22.106 đồng/USD), còn tỷ giá
bán ngoài thị trường tự do thì vượt xa tỷ giá trong ngân hàng. Nhận thức
được điều này, cũng như những bất lợi cho nền kinh tế Việt Nam nếu VND tiếp tục
đứng giá ở mức cao so với USD và các bản tệ khác trong khu vực và trên thế
giới, NHNN hôm nay lại một lần nữa không chỉ nới biên độ biến động tỷ giá liên
ngân hàng lên đến 3% mà còn điều chỉnh cả tỷ giá bình quân liên ngân hàng.
Cần nói ngay đây
là một hành động quyết đoán và rất đáng hoan nghênh nữa của NHNN, mở rộng đường
cho khả năng để tỷ giá VND tự điều chỉnh theo điều kiện thị trường không chỉ
trong nước mà còn trên quốc tế. Đây cũng là một phản ứng chính sách tích cực
của NHNN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ mới đây khi yêu cầu NHNN
điều hành linh hoạt tỷ giá.
Về tác động tích
cực của những động thái linh hoạt này của NHNN, chúng ta đã nói đến nhiều, nên
chỉ xin tóm tắt ở đây rằng VND yếu hơn đáng kể so với chính nó cách đây hơn 1
tuần sẽ góp phần hóa giải những tác động tiêu cực mang đến cho nền kinh tế Việt
Nam từ sự phá giá của những quốc gia khác, đặc biệt là Trung Quốc.
Quan trọng hơn,
sự nới lỏng tỷ giá VND không chỉ bằng việc nâng trần biến động quanh tỷ giá bình
quân liên ngân hàng mà còn điều chỉnh trực tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng
đã tạo ra cho NHNN ở một vị thế mới, phá bỏ mọi ràng buộc, hoàn toàn chủ động
đón đầu các diễn biến bất lợi do các quốc gia khác mang đến. Cụ thể hơn, nếu
mai kia Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ (CNY) và/hoặc FED có nâng lãi
suất USD thì NHNN không còn ở thế bị động, lúng túng bởi một trói buộc
nào đó nữa, mà họ đã biết sẽ phải làm gì, sẵn sàng có hành động đáp trả theo
những kịch bản thích ứng.
Về phía thị
trường, cũng đã hiểu rằng NHNN từ nay trở đi đã ở thế sẵn sàng để cho VND
suy yếu nhằm bảo vệ sản xuất và công ăn việc làm trong nước. Sẽ không còn một
cái neo tỷ giá để nhiều người có thể trục lợi, từ việc vay USD với lãi suất
thấp rồi bán lấy VND cho vay lãi suất cao, hay thay vì đầu tư sản xuất trong
nước chỉ cần nhập khẩu về là bán có lãi…Chuyện vay nợ nước ngoài tràn lan cũng
trở thành chuyện quá khứ, buộc ai, kể cả Chính phủ, muốn vay mượn nước
ngoài phải cân nhắc 2 lần, nhờ thế giảm áp lực nợ nước ngoài lên nền kinh tế
Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng khi không phải dốc quỹ dự trữ ngoại hối
gián tiếp trả nợ thay cho cả nền kinh tế.
Về tác động tiêu
cực của các động thái phá giá VND nói trên, nhiều người cứ mang con "ngáo
ộp" là lạm phát ra để cản trở việc phá giá VND. Nhưng, cũng như đã nói
nhiều lần, nền kinh tế thế giới đang đối mặt với tình hình giảm phát, với giá
cả các loại hàng hóa đều trên xu hướng giảm sút mạnh, đặc biệt từ đầu năm nay,
chủ yếu do nhu cầu sụt giảm, đặc biệt từ Trung Quốc. Sự giảm phát trên thế giới
đã lan đến Việt Nam, làm cho lạm phát ở Việt Nam cũng đang ở mức thấp kỷ lục
trong hàng thập kỷ nay. Trong bối cảnh này thì việc phá giá bản tệ nói chung
trên thế giới, và Việt Nam nói riêng, chắc chắn sẽ không gây ra áp lực đáng kể
lên lạm phát, ít nhất trong nhiều tháng tới.
Rồi cũng có
nhiều người ta thán rằng họ đang chịu thiệt vì khi nhập khẩu hàng hóa về, họ
phải trả nhiều VND hơn, chi phí tăng lên, lãi giảm đi… để mong NHNN đừng phá
giá nữa. Nhưng, chưa nói đến khía cạnh phải đặt ưu tiên hàng đầu cho lợi ích
của cả nền kinh tế , lời ca thán này là sai, ngụy biện, vì các nước xuất khẩu
sang Việt nam nhìn chung thường đã phá giá bản tệ của họ trước khi NHNN phá giá
VND, hoặc phá giá nhiều hơn mức VND bị phá, nên giá nhập khẩu về Việt Nam tính
ra VND không thể tăng lên, nếu không muốn nói là chắc chắn đã giảm đi.
Tóm lại, phản
ứng chính sách vừa qua của NHNN là đúng đắn và chắc chắn sẽ mang lợi ích
chung cho cả nền kinh tế. Kỳ vọng rằng NHNN tiếp tục vững bước trên con đường
đi đã lựa chọn để sẵn sàng đối phó tốt hơn những bất trắc ngoại lai mai đây.
No comments:
Post a Comment