Ngày 11.8 Trung Quốc đã bất ngờ phá giá CNY 1,9%. Hành động này đã tạo ra một chấn động lan rộng với bản tệ của nhiều nước cũng nhanh chóng mất giá theo CNY. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng lập tức phản ứng vào hôm 12.8 bằng cách nới biên độ tỷ giá thêm 1%, thay vì tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng VNĐ như vẫn thường làm. Nhưng điều bất ngờ chưa dừng lại vì Trung Quốc lại tiếp tục phá giá CNY trong 2 ngày kế tiếp sau đó lần lượt với 1,6% và 1,1%. 2 đợt phá giá này cũng lại gây ra làn sóng phá giá ở một số nước. Tuy vậy, NHNN lần này đã không có phản ứng gì, cho đến tận 20.8 khi họ không những phải nới biên độ tỷ giá thêm 1% mà còn tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1% nữa.
Tuy đợt phá giá lần 2 này của NHNN chỉ là để giải tỏa bớt áp lực từ sự phá giá liên tiếp CNY trong khi tỷ giá VNĐ mới chỉ tăng 1% trong đợt điều chỉnh hôm 11.8 nhưng NHNN lại giải thích rằng họ phá thêm là để “chủ động dẫn dắt thị trường, đón đầu các tác động bất lợi của khả năng Fed tăng lãi suất”. Thế nhưng, dù Fed chưa tăng lãi suất và Trung Quốc cũng tuyên bố không phá giá CNY nữa nhưng tỷ giá VNĐ vẫn liên tục kịch trần trong những ngày sau đó, còn tỷ giá ngoài chợ đen thì cao hơn trong ngân hàng từ 200 - 300 đồng/USD. Điều này cho thấy NHNN phá giá VNĐ là chưa “đủ độ”. Dẫu vậy, trước sự căng thẳng này của tỷ giá, NHNN lại quay lại với cách làm cũ, tuyên bố đã điều chỉnh tỷ giá VNĐ đủ rồi và không có lý do gì để điều chỉnh nữa trong thời gian từ nay đến cuối năm và kể cả đầu năm sau.
Tạm không bàn đến tính hợp lý trong giải thích của NHNN về việc phá giá của họ và cũng giả sử rằng 2 đợt phá giá vừa rồi là đủ để giải tỏa áp lực lên VNĐ đến từ việc CNY mất giá và khả năng Fed tăng lãi suất đúng như NHNN tính toán cho đến ngày 20.8 là ngày họ tiến hành phá giá lần thứ 2. Như thế, trong bối cảnh không có thay đổi về các điều kiện thị trường bên ngoài - Trung Quốc không phá giá CNY nữa, và Fed tăng lãi suất vẫn chỉ là khả năng - thì quả đúng như NHNN nói là chẳng có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá VNĐ nữa, và VNĐ đang ở thế ổn định tương đối.
Nhưng trên thực tế, điều kiện thị trường bên ngoài đã có thay đổi quan trọng so với tính toán của NHNN, với việc Trung Quốc tiếp tục tiến hành phá giá thêm CNY trong 3 ngày qua từ 25 - 27.8 (tuy mỗi ngày chỉ phá giá ở mức 0,7% - 0,9%). Quan trọng hơn mức độ phá giá CNY là chuyện Trung Quốc dường như luôn không giữ lời (trong đợt phá giá từ 11 - 13.8 họ cũng đều tuyên bố không phá giá nữa sau mỗi lần phá giá), nên khả năng Trung Quốc ngày mai, tuần sau, tháng sau lại tiếp tục phá giá CNY là điều không thể phủ nhận một cách chắc chắn như một số chuyên gia trong nước đã khẳng định. Nguy hiểm hơn, nếu Trung Quốc phá giá tiếp thì sẽ có khả năng lôi kéo các nước khác vào một cuộc chiến phá giá và điều này cũng tác động tiêu cực tới Việt Nam.
Như vậy, khi Trung Quốc đã và có khả năng tiếp tục phá giá CNY nữa thì áp lực lên VNĐ chắc chắn sẽ lại tăng lên từ điểm cân bằng hiện tại. Đấy là vẫn chưa kể đến việc Fed có thể sẽ nâng lãi suất trong tháng 9 hoặc tháng 12 này. Trong bối cảnh này, việc NHNN tiếp tục tuyên bố một mục tiêu cứng về tỷ giá (không phá giá nữa từ nay đến đầu năm sau), vô hình trung đặt NHNN vào tình thế khó như đã xảy ra trước đây không lâu. Nếu Trung Quốc (và các nước khác) tiếp tục phá giá bản tệ đủ lớn thì NHNN vẫn tiếp tục điệp khúc “không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá VNĐ”?
Đương nhiên, nếu muốn thực hiện cho bằng được mục tiêu không điều chỉnh tỷ giá thì NHNN sẽ phải tiếp tục dùng đến dự trữ ngoại hối. Nhưng theo báo chí cho biết thì trong thời gian qua NHNN đã phải dốc ra đến 4 tỷ USD trong số 37 tỷ USD dự trữ (lưu ý, 37 tỷ USD chưa bằng 12 tuần nhập khẩu của Việt Nam, là con số tối thiểu cần duy trì). Điều này cho thấy phải dùng đến dự trữ ngoại hối là giải pháp cực chẳng đã, và chỉ là mua thêm thời gian.
Từ phân tích trên, NHNN nên có động thái chuyển hướng lập trường về chính sách tỷ giá của mình để tự tạo ra nhiều không gian chính sách cho mình nhằm đối phó hữu hiệu và dễ dàng hơn những biến cố và bất trắc đến từ bên ngoài, không thuộc tầm kiểm soát của Việt Nam nói chung và NHNN nói riêng. Một chính sách tỷ giá không có những cam kết cứng, để ngỏ khả năng cho phép thay đổi theo điều kiện thị trường tỏ ra là điều cần thiết trong lúc này.
No comments:
Post a Comment