Nhiều việc lùm xùm đã xảy
ra ở một số ngân hàng thương mại và nhiều ông chủ, lãnh đạo của các ngân hàng
này đã bị các cơ quan thi hành pháp luật “sờ gáy”. Điểm chung ở những vụ việc
này là các hành vi phạm pháp của các ông chủ và lãnh đạo trong những việc như
dùng tín dụng của ngân hàng để “nuôi” doanh nghiệp sân sau hay cánh hữu của
mình, biến ngân hàng mà mình chỉ có một phần sở hữu thành cái máy ATM tha hồ mà
rút để chi tiêu cá nhân, để thôn tính các ngân hàng và doanh nghiệp khác, để
tranh giành vị trí cổ đông chi phối nhằm trục lợi cho bản thân, gia đình và phe
phái của mình v.v...
Một trong những vụ lùm
xùm mới nhất liên quan đến ông Trầm Bê và ngân hàng Sacombank. Ngân hàng Nhà nước
(NHNN) đã chấp nhận về nguyên tắc để ngân hàng này sáp nhập với Southern Bank
(PNB). Nhưng đáng chú ý là dường như NHNN chỉ phê chuẩn vụ sáp nhập này sau khi
ông Bê, với tư cách là Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, tự nguyện cam kết ủy quyền
không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN hoặc tổ chức, cá nhân do NHNN chỉ định thực
hiện đầy đủ các quyền của cổ đông sau khi nhận sáp nhập PNB đối với toàn bộ cổ
phần tại Sacombank, PNB và ngân hàng sau sáp nhập thuộc quyền sở hữu của ông Bê
và các bên liên quan. Bằng việc ủy quyền này, ông Bê đã chính thức từ bỏ quyền
và khả năng tham gia vào quản trị, điều hành ngân hàng sau sáp nhập.
Thông thường, xét về mặt
quyền lợi, khi một cổ đông nào đó vì một hoàn cảnh bắt buộc nào đó phải ủy quyền
việc thực hiện quyền cổ đông của mình thì người được chọn ủy quyền thường là
người thân hoặc trong phe nhóm của mình. Hành động ủy quyền của ông Bê cho một
bên thứ ba là “người dưng”, hoàn toàn không liên quan gì đến mình, đặc biệt đó
lại là cơ quan đại diện cho nhà nước – NHNN, quả thật là một sự kiện hi hữu, chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.
Tuy vậy, sự việc này
không hoàn toàn khó hiểu nếu để ý thêm rằng ông Bê cũng cam kết trong quá trình
thực hiện đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập, nếu giá
trị tài sản đảm bảo cho các nghĩa vụ nợ của ông và những người có liên quan
không đủ sẽ bổ sung thêm các tài sản khác thuộc sở hữu của ông Bê.
Những điều trên cho thấy,
việc ủy quyền của ông Bê không hẳn là tự dưng, tự nguyện. Lưu ý đến cụm từ “cho
các nghĩa vụ nợ” trong đoạn trên. Tại sao nghĩa vụ nợ của cá nhân và gia đình
ông Bê lại bị nêu ra, và nó có gì liên quan ở đây? Cứ theo lẽ thường, nợ cá
nhân và gia đình ông Bê thì do ông và gia đình ông Bê phải trả và/hoặc chịu
trách nhiệm với các chủ nợ, chứ chẳng hề liên quan gì đến Sacombank, PNB, hay
NHNN, và cũng không thể là lý do để ông phải (tự nguyện) từ bỏ quyền cổ đông ở
các ngân hàng thương mại này.
Trong trường hợp này, nếu
ở địa vị ông Bê thì một người khác rất có thể đã dùng một thủ thuật, một hành
vi lắt léo nào đó để huy động vốn (vay nợ) dựa trên những tài sản thế chấp hoặc
là ảo, “tay không bắt giặc”, hoặc là theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó” tương tự như
những gì đã xảy ra với “Bầu” Kiên trước đây. Vốn này sau đó được dùng để thâu
tóm cổ phần các ngân hàng liên quan để giành vị trí chi phối, và tiến thêm một
bước nữa, thâu tóm cả những ngân hàng đó, biến chúng gần như thành ngân hàng
riêng của nhà mình.
Nhưng dù là bằng vốn “ảo”,
hay bằng những mánh lới cả “lách” luật lẫn phi pháp, và mạng lưới sở hữu chéo
chằng chịt, tinh vi như trên thì những phần trăm sở hữu (mang tính chi phối) lại,
đáng tiếc, là thật trên giấy tờ chứng nhận, trước pháp luật, không thể bằng một
mệnh lệnh hành chính nào đó tuyên bố vô giá trị, khi các hành vi và mánh lới
này bị phát giác và vạch trần.
Trong bối cảnh đang
nhùng nhằng chuyện tái cấu với sáp nhập ngân hàng và không muốn “rút dây động rừng”,
hoặc hành vi của những người trong cuộc chưa đến mức độ phải xử lý mạnh tay ngay
như với tội phạm hình sự nguy hiểm, việc NHNN loại bỏ hoặc cách ly những đương
sự này ra khỏi tiến trình tái cơ cấu như trên là hình thức “sờ gáy” các đương sự
một cách rất êm thấm, kín kẽ, hiệu quả và hợp pháp. Cách này cũng là một bước
đi có tính ngăn chặn, không để dẫn đến hậu quả lớn hơn sau này. Nếu cứ để cho
các ngân hàng sáp nhập với nhau và một số cá nhân có cổ phần chi phối tiếp tục
lũng đoạn ngân hàng mới sau sáp nhập ở quy mô và phạm vi ảnh hưởng lớn hơn, rốt
cuộc một ngày nào đó NHNN lại phải mua lại ngân hàng này với giá 0 đồng một
cách cực chẳng đã.
Việc đương sự (phải) cam
kết bổ sung cho đủ giá trị tài sản cam kết cho các nghĩa vụ nợ của mình và gia
đình cũng cho thấy NHNN không chỉ loại bỏ, cách lý sự dính líu của đương sự vào
các ngân hàng thương mại mà còn bắt đương sự phải chịu trách nhiệm về hậu quả của,
và trả giá đầy đủ cho, những hành vi và mánh lới của mình. Đây lại là một sự việc
hi hữu khác nữa ở Việt Nam.
Tuy biện pháp xử lý của
NHNN trong những trường hợp tương tự như thế này là điều đáng hoán nghênh, nhìn
từ một góc độ khác, thì chúng chỉ là những biện pháp chữa cháy. Điều NHNN cần
làm tốt hơn là phải tăng cường công tác thanh tra, theo dõi sát sao hoạt động của
hệ thống ngân hàng, mà điều này dường như chưa được làm tốt.
Lấy ví dụ trường hợp
Ngân hàng Đông Á. Chỉ gần đây NHNN mới cho biết, sau khi thanh tra toàn diện
ngân hàng này họ đã phát hiện ra nhiều vi phạm pháp luật về quản lý tài chính, cấp tín dụng và hoạt động
kinh doanh khác làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình tài chính và hoạt động
của ngân
hàng này trong giai đoạn 2012 trở về trước. Nếu công tác thanh tra, giám sát và
tăng cường quản lý rủi ro được thực hiện tốt từ trước đây thì không phải chờ đến
năm 2015 này vụ việc Đông Á mới vỡ ra, quá muộn để đến mức độ NHNN phải áp dụng
kiểm soát đặc biệt với ngân hàng này.
No comments:
Post a Comment