(TBKTSG) - Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng mới đây đã giao Vụ Tài chính ngân hàng phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đề nghị tạm ứng hoặc cho ngân sách nhà nước (NSNN) vay khoảng 30.000 tỉ đồng.
Thông tin trên đã làm dư luận lo ngại bởi nó cho thấy tình hình căng thẳng của thu chi NSNN trong bối cảnh giá dầu giảm mạnh và lạm phát thấp. Việc Chính phủ quyết tâm vay hay đề nghị tạm ứng từ NHNN để bổ sung vào NSNN cho thấy mấy khả năng sau: (1) Chính phủ không cho rằng những hậu quả, nếu có, là đáng lo ngại; (2) Chính phủ chỉ có ý định vay hoặc đề nghị tạm ứng trong một thời gian ngắn, chủ yếu cho những nhu cầu chi tiêu cấp bách rồi sẽ hoàn trả ngay cho NHNN, không làm ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tự chủ trong điều hành chính sách tiền tệ và ngoại hối của NHNN; và (3) cân nhắc về mặt phí tổn thì đi vay, đề nghị tạm ứng từ NHNN cho ngân sách vẫn là tối ưu, rẻ nhất, dù rằng việc này có thể tạo ra những hệ lụy cho nền kinh tế, như lạm phát, mất ổn định tỷ giá. Những hệ lụy này hoặc không xảy ra ngay, hoặc có thể khắc phục được bằng những biện pháp khác.
Khả năng thứ nhất có thể xảy ra vì số tiền 30.000 tỉ đồng mà Bộ Tài chính muốn vay hoặc tạm ứng từ NHNN chỉ là một phần khiêm tốn so với ngân sách và quỹ dự trữ ngoại hối nói riêng và nền kinh tế nói chung. Hơn nữa, nếu kết hợp với khả năng thứ hai, vay và hoàn trả ngay trong năm như Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải đã ngụ ý như vậy khi trích dẫn quy định của Luật NSNN và Luật NHNN thì Chính phủ không phải không có lý nếu cho rằng hậu quả để lại từ việc vay hay đề nghị tạm ứng từ NHNN như thế này sẽ không quá lớn. (Cần lưu ý, ông Hải chỉ nói các luật này cho phép Bộ Tài chính vay của NHNN và hoàn trả ngay trong năm chứ không đề cập chuyện Bộ Tài chính có ý định và khả năng hoàn trả ngay trong năm hay không).
Xét về mặt lợi và hại như nêu ở khả năng thứ ba. Giả sử NHNN xuất từ quỹ dự trữ ngoại hối của mình một khoản ngoại tệ tương đương 30.000 tỉ đồng (gần 1,4 tỉ đô la Mỹ) cho Bộ Tài chính vay hoặc tạm ứng. Số ngoại tệ này chiếm khoảng 3,7% quỹ dự trữ ngoại hối của NHNN (khoảng 37 tỉ đô la như công bố của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tính đến cuối tháng 7-2015). Bộ Tài chính sẽ phải chuyển đổi toàn bộ hoặc một phần khoản vay hay tạm ứng này ra tiền đồng. Hành động này sẽ làm tăng cầu tiền đồng, tăng cung đô la Mỹ dẫn đến áp lực tăng lãi suất tiền đồng và hoặc giảm tỷ giá tiền đồng (tiền đồng lên giá so với đô la Mỹ). Tùy thuộc vào khối lượng chuyển đổi mà áp lực này đáng kể hay không.
Lãi suất tiền đồng tăng sẽ tác động tiêu cực trực tiếp không chỉ đến nhu cầu đầu tư và tiêu dùng của doanh nghiệp và cá nhân, từ đó làm giảm đà tăng trưởng GDP trong các quí sau. Lãi suất tăng cũng sẽ làm chi phí đi vay của Chính phủ thông qua con đường phát hành trái phiếu tăng lên tương ứng, dẫn đến áp lực ngày càng lớn hơn lên khả năng cân đối thu chi ngân sách và đẩy Chính phủ vào vòng xoáy phải tăng phát hành với lãi suất cao hơn để đáo nợ cho những kỳ sau.
Riêng với khả năng tỷ giá tiền đồng giảm, với NHNN đây là điều trông đợi vì họ đang phải vật lộn với việc kiềm chế tỷ giá (không phá giá tiền đồng quá 2 điểm phần trăm trong năm nay). Như vậy, việc vay hay tạm ứng của Bộ Tài chính tuy có thể gây ra một số hậu quả cho nền kinh tế và cho chính Bộ Tài chính, cho NSNN trong thời kỳ tới nhưng lại giúp ích cho NHNN.
Nếu giả sử NHNN không xuất ngoại tệ, mà thay vào đó là tiền đồng cho Bộ Tài chính. Việc này, về bản chất là phát hành tiền cho ngân sách vay. Hậu quả trực tiếp của việc lựa chọn hành động này sẽ là tạo áp lực lên lạm phát, do cung tiền đã tăng lên. Nhưng điều may mắn, và có thể là lý do để cả NHNN và Bộ Tài chính lựa chọn hành động này, là lạm phát hiện đang ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm. Việc tăng cung tiền như vậy sẽ không gây áp lực tăng mặt bằng giá cả quá nhiều trong những tháng tới.
Một hậu quả trực tiếp khác là áp lực lên tỷ giá tiền đồng theo hướng làm tiền đồng yếu đi so với đô la Mỹ, phá vỡ cam kết của NHNN về tỷ giá trong năm nay. Để khắc phục hậu quả này, NHNN sẽ phải hút nguồn tiền đồng gia tăng này trên thị trường mở để nâng lãi suất tiền đồng nhằm ổn định tỷ giá, và việc này cũng đồng thời có tác dụng làm giảm áp lực bán đô la Mỹ từ quỹ dự trữ ngoại hối để bình ổn tỷ giá. Như vậy, kết cục của lựa chọn hành động này sẽ là lãi suất không thể giảm được trong những tháng tới, và/hoặc quỹ dự trữ ngoại hối sẽ tiếp tục hao hụt.
Một ưu điểm của lựa chọn hành động này là chi phí vay từ NHNN cho khoản 30.000 tỉ đồng này thậm chí bằng 0, vì số tiền này là “cây nhà lá vườn”, không phải đi vay mượn ở đâu cả.
Như vậy, trường hợp Bộ Tài chính vay hay đề nghị tạm ứng tiền đồng từ NHNN sẽ có lợi cho Bộ Tài chính nhiều hơn, trong khi làm khó cho NHNN hơn nếu so với trường hợp (một phần) khoản vay/tạm ứng này là bằng ngoại tệ. Xét cho cả nền kinh tế, cả hai trường hợp này đều dẫn đến gia tăng áp lực lên lãi suất, tác động đến tốc độ tăng trưởng kinh tế, tức là ảnh hưởng đến chính cán cân thu chi ngân sách, trong những kỳ tới.
Và tuy có thể lập luận rằng khoản 30.000 tỉ đồng này là không quá lớn để gây ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng như đã phân tích, nhưng có lẽ các bên hữu quan vẫn cần thực hiện những nghiên cứu định lượng để lượng hóa được tác động nhằm đưa ra được một giải pháp hài hòa về số tiền, cấu thành và kỳ hạn vay/tạm ứng hợp lý để giảm thiểu những tác động tiêu cực trước mắt và dài hạn lên toàn bộ nền kinh tế nói chung và cân đối thu chi ngân sách nói riêng.
No comments:
Post a Comment