(TBKTSG) - Chỉ thị 05/CT-NHNN rất có
thể không có tác động giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng cho các dự án
giao thông như mong muốn, do còn khá mơ hồ về mục tiêu và giải pháp triển khai.
Ngày 15-7-2015, Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước (NHNN) ban hành Chỉ thị 05/CT-NHNN về tăng cường kiểm soát rủi ro
trong hoạt động cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông. Theo đó, để
đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững theo đúng mục tiêu đã
đề ra, giảm thiểu rủi ro trong việc cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao
thông, đặc biệt các dự án có thời gian thu hồi vốn dài, NHNN yêu cầu các đơn vị
thuộc cơ quan mình và các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài
triển khai các công việc liên quan định hướng này.
Chỉ thị này ra đời vì, theo NHNN,
nhiều ngân hàng thương mại (NHTM) đã đầu tư một nguồn vốn lớn cho các dự án hạ
tầng giao thông. Xu hướng này đang gia tăng trong khi việc cấp tín dụng này còn
“một số bất cập chưa đánh giá đầy đủ những rủi ro có liên quan”. Mặt khác, Chính
phủ cũng đã giao NHNN thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với bảo đảm cơ cấu tín
dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh,
nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, đồng thời giám sát
chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, dự án thu hồi
vốn thời gian dài...).
Với sự “chỉ mặt, vạch tên” cụ thể
như vậy, Chỉ thị 05 được cho là sẽ siết chặt, làm giảm dòng tín dụng cấp cho
các dự án giao thông (theo hình thức BOT và BT), và nhận được sự ủng hộ của Bộ
Giao thông Vận tải là nơi hoạch định và triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng
cơ sở giao thông.
Tuy vậy, trên thực tế, Chỉ thị 05
rất có thể sẽ không có tác động như ý muốn vì ít nhất hai lỗ hổng sau.
Trước tiên, chỉ thị này đã bỏ qua, bỏ sót nhiều hình thức dự án giao thông khác, ngoài BOT và BT. Nếu lấy Nghị định 15/2015/NĐ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư làm chuẩn thì các dự án đầu tư công - tư nói chung và vào lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng không chỉ dưới hình thức BOT và BT, mà còn có các hình thức khác, như BTO, BOO, BTL, và BLT.
Trước tiên, chỉ thị này đã bỏ qua, bỏ sót nhiều hình thức dự án giao thông khác, ngoài BOT và BT. Nếu lấy Nghị định 15/2015/NĐ về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư làm chuẩn thì các dự án đầu tư công - tư nói chung và vào lĩnh vực giao thông vận tải nói riêng không chỉ dưới hình thức BOT và BT, mà còn có các hình thức khác, như BTO, BOO, BTL, và BLT.
Vì Chỉ thị 05 chỉ đề cập BOT và
BT (có thể vì đây là hai hình thức dự án phổ biến nhất và chiếm tỷ trọng lớn
nhất trong dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng cấp cho các dự án xây dựng
giao thông) nên có thể coi NHNN không hoặc chưa có ý định hạn chế tín dụng vào
các dự án dưới hình thức khác như trên. Bởi vậy, lượng tín dụng đổ vào các dự
án giao thông nói chung trong thời gian tới sẽ khó mà giảm đi hoặc đỡ rủi ro
hơn theo ý muốn của NHNN nếu vì một lý do nào đó các dự án giao thông dưới các
hình thức này lại tăng mạnh. Đó là chưa kể đến khả năng các chủ dự án và các
NHTM tìm cách “lách” Chỉ thị 05 bằng cách chuyển đổi các dự án lẽ ra mang hình
thức là BOT và BT sang các hình thức dự án khác để thoát khỏi ràng buộc, nếu
có, của Chỉ thị 05.
Lỗ hổng thứ hai nằm ở sự khá mơ
hồ về mục tiêu và giải pháp triển khai. Với cả hai nhóm đối tượng áp dụng chỉ
thị này, là các đơn vị thuộc NHNN và các tổ chức tín dụng, những nội dung chỉ
đạo thực hiện đều có tính chất thiên về “định tính”. Với các đơn vị trực thuộc,
là những nhắc nhở về thực hiện tốt hơn các công việc và nhiệm vụ thường ngày,
thường xuyên của các đơn vị này như “tham mưu cho Thống đốc”, “kiểm soát chặt
chẽ”, tăng cường quản lý”, “xem xét thận trọng”... mà không đưa ra được một
tiêu chí nào để làm cơ sở cho các đơn vị trực thuộc thực hiện.
Ví dụ, trong giải pháp “kiểm soát
chặt chẽ tình hình tăng trưởng tín dụng và chất lượng tăng trưởng tín dụng, đặc
biệt đối với các dự án BOT và BT giao thông”, như thế nào, trong phạm vi nào
mới được coi là “chặt chẽ”, “thận trọng”... lại không thấy chỉ thị đề cập. Ở
giác độ này, các tổ chức tín dụng sẽ có lý do để nói rằng ngay bản thân NHNN
cũng còn chưa có những tiêu chí, mục tiêu cụ thể, rõ ràng gì thì sao bắt họ
thực hiện tốt việc hạn chế rủi ro cho vay BOT, BT giao thông cho được?
Với các tổ chức tín dụng cũng có
sự mơ hồ tương tự như vậy, chỉ thị đưa ra một loạt chỉ đạo hết sức định tính
như “nghiêm chỉnh chấp hành”, “hạn chế và kiểm soát chặt chẽ”, “nâng cao năng
lực đánh giá”, “thận trọng khi xem xét”, “chủ động nghiên cứu”... Cứ theo lẽ
thường, đã để đến mức phải bị chỉ đạo như vậy thì có nghĩa là các NHTM đã và
đang vi phạm nhiều quy định, nguyên tắc, luật lệ của hệ thống ngân hàng? Vậy
sao NHNN không thẳng thắn chỉ ra ngay những vi phạm và yếu kém (ở đâu, như thế
nào...) và thẳng tay áp dụng các chế tài để trừng phạt và buộc các ngân hàng vi
phạm phải tuân thủ luật lệ, chứ nhắc nhở chung chung làm gì?
Tóm lại, chỉ với hai lỗ hổng nói
trên có thể thấy rằng Chỉ thị 05 chỉ có ý nghĩa như là một hành động thể hiện
cam kết của NHNN trước, và theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc đảm bảo tín
dụng phát triển lành mạnh, hơn là một chương trình hành động cụ thể, hữu hiệu
với những tác động đáng kể đến công tác tín dụng (theo hướng siết chặt lại) nói
chung và tín dụng cho các dự án giao thông nói riêng.
Do đó, để kiểm soát và hạn chế
rủi ro tín dụng cho dự án giao thông nói chung, bao gồm cả các dự án BOT và BT,
NHNN cần thiết phải áp đặt thêm các hạn chế định lượng cho lĩnh vực này cũng
giống như họ đã (từng) làm cho các lĩnh vực như chứng khoán, bất động sản, trái
phiếu chính phủ... Chẳng hạn, NHNN đặt giới hạn tỷ trọng tín dụng của (mỗi)
NHTM cấp cho các dự án giao thông không quá x% tổng tài sản hoặc tổng dư nợ của
họ (và tỷ lệ x này có thể khác nhau với mỗi ngân hàng).
Cũng cần lưu ý thêm rằng NHNN đã
giao chỉ tiêu hạn mức tín dụng cho từng ngân hàng trong từng năm. Nếu phối hợp
thêm với quy định giới hạn định lượng tín dụng của mỗi NHTM được cấp cho dự án
giao thông như nói trên, và với điều kiện nữa là NHNN kiên quyết không cho phép
các NHTM vượt chỉ tiêu hạn mức tín dụng tổng thể và hạn mức tín dụng được phép
cấp cho lĩnh vực giao thông ở một nhtm, thì có thể loại bỏ được phần lớn rủi ro
về việc các NHTM cho vay quá mức vào các dự án giao thông.
No comments:
Post a Comment